Học sinh Trường tiểu học số 1 Na Sang (Mường Chà, Điện Biên) mang theo cơm đến lớp - Ảnh: VŨ TUẤN
Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của nhà tài trợ Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam.
Để dành thịt cho em
Sáng nào cũng vậy, Lý A Giôn, ở bản Nậm Bó, xã Na Sang (huyện Mường Chà, Điện Biên), mang theo một cặp lồng cơm đi học. Từ ngày nhà trường có bữa trưa, Giôn đi học đều vì bữa ăn bao giờ cũng có thịt, cá hoặc trứng. Nhà Giôn còn nghèo, bố mẹ làm nương, chỉ ngày lễ, ngày Tết mới mổ lợn, mổ gà, còn bữa ăn hằng ngày chủ yếu là cơm canh. Nhiều hôm Giôn ăn cơm chan nước mì tôm.
Bữa trưa có thịt xào với trứng, canh rau cải các thầy cô giáo trồng trong vườn nhà trường. Giôn ăn hết cơm, vét sạch sẽ phần cơm canh nhưng chỉ ăn 2 miếng thịt. Em cẩn thận gắp hết số thịt còn lại cho vào cặp lồng để dành bữa tối. Giôn bảo "tối về ăn với em".
Bữa ăn đơn giản của học sinh điểm trường Nậm Bó, xã Na Sang, Mường Chà (Điện Biên) - Ảnh: VŨ TUẤN
Ở bản Nậm Bó, xã Na Sang có hơn 30 học sinh học lớp 1 và lớp 2. Những em lớn hơn sẽ được học bán trú tại điểm trường chính. Thầy cô giáo nhà trường đã vận động được một tổ chức từ thiện tài trợ bữa trưa cho học sinh. Bố mẹ các em thay nhau mỗi người một ngày đến trường nấu thức ăn cho trẻ.
Anh Lý A Dếnh, ở bản Nậm Bó, xã Na Sang, cho hay hằng ngày anh dậy từ 5h sáng để nấu cơm cho vào cặp lồng để con anh mang đi học. Dân bản cũng phân công mỗi người một ngày góp củi, đến nấu cơm trưa cho các bé ở trường. Tuy nhiên, phần cơm thì các cháu phải mang từ nhà đi, phụ huynh học sinh chỉ nấu canh và thịt.
Anh Dếnh cho biết thêm, trước đây chưa được Nhà nước hỗ trợ mua thức ăn cho các cháu, cơm trưa của các cháu rất ít thức ăn. Có khi chỉ là cơm trắng nấu thêm mì tôm để các cháu ăn qua bữa. Học sinh trong bản không cháu nào nghĩ sẽ được ăn những món quà như xúc xích hay sữa.
Khác với các bạn ở bản Nậm Bó, nhà Lò Thị Xuân Đào ở bản Hin 1, xã Na Sang chỉ cách trường hơn một cây số. Đào học lớp 4 nhưng không được ăn cơm ở trường vì nhà gần, không có trong chế độ. Nhà Đào còn nghèo, bố mẹ em làm lụng vất vả cả năm mới được 2 tấn sắn (khoai mì) và hơn chục bao thóc.
Vụ lúa năm nay lại thất thu, cây lúa tốt nhưng không trổ bông. Bữa ăn hằng ngày của Đào chủ yêu là cơm xôi, khi thì có cá bố em bắt ở suối, thỉnh thoảng cũng mua thịt nhưng Đào vẫn thích ăn cơm ở trường với các bạn. Đào nói nhiều khi đi học về, qua các hàng quán cổng trường thấy có bạn được ăn xúc xích, em cũng thích lắm nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng có tiền để mua.
Học sinh ở Na Sang, Mường Chà (Điện Biên) háo hức chờ món quà xúc xích từ miền xuôi - Ảnh: VŨ TUẤN
Món quà trước Tết
Cô giáo Phạm Thị Thu Hằng - hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú số 1 Na Sang (huyện Mường Chà, Điện Biên) - cho hay trường có hơn 430 học sinh. Điều kiện kinh tế của gia đình các em còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở những điểm trường xa.
Vài năm gần đây, nhà trường đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương vận động các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Thực đơn hằng ngày của các em đã có đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên nhà trường mới chỉ hỗ trợ các em ăn các bữa chính, không có bữa phụ. Nếu so với nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi đang phát triển như các em thì chưa đáp ứng được. Đặc biệt là những em học sinh không thuộc đối tượng được hỗ trợ bữa ăn bán trú tại trường. Các em sinh hoạt cùng gia đình nhưng cha mẹ các em rất vất vả, không có điều kiện để các em có chế độ sinh hoạt tốt hơn.
"Vì điều kiện kinh tế của gia đình một số em còn rất khó khăn nên bữa ăn chủ yếu là cơm, canh, đôi khi có thêm cá đánh bắt ở suối, thỉnh thoảng mới có thịt… vì thế so với nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi đang phát triển thì chưa đảm bảo" - cô Hằng cho hay.
Món quà 50.000 gói xúc xích trong chương trình Tết dinh dưỡng cho trẻ vùng cao khiến các thầy cô của Trường tiểu học bán trú số 1 Na Sang vừa bất ngờ vừa vui mừng. Học sinh của nhà trường gần như chỉ được ăn những bữa chính, những món quà như sữa, xúc xích là những món ăn quen thuộc với trẻ em vùng xuôi nhưng với học sinh vùng cao rất ít khi được tiếp cận.
Hành trang đến trường của học sinh vùng cao - Ảnh: VŨ TUẤN
Món quà này nằm trong chương trình Tết dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam tổ chức.
Chương trình Tết dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao năm nay sẽ tặng 143.400 gói xúc xích, tương đương gần 21 tấn, với trị giá hơn 2,344 tỉ đồng.
Chương trình năm nay được trao tặng đến 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đắk Lắk.
Ngày 5-1, chương trình sẽ trao trực tiếp cho hơn 400 em học sinh tại Trường tiểu học số 1 Na Sang (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) và gửi 50.000 gói đến các em học sinh huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Đây là những địa phương có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn nhất của các tỉnh này.
Tiếp tục chương trình, 43.400 gói xúc xích được chuyển đến học sinh các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Gia Lai.
Trao gần 21 tấn xúc xích cho trẻ em vùng cao
Ngày 5-1-2021, báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ GREENFEED sẽ tiến hành trao 50.000 gói xúc xích cho học sinh huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và 50.000 gói xúc xích cho học sinh huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Chương trình trao trực tiếp cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Na Sang, huyện Mường Chà (Điện Biên) và gửi quà đến học sinh Trường tiểu học Ma Thì Hồ (huyện Phong Thổ, Lai Châu).
Ngày 9-1, chương trình sẽ trao xúc xích cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Hương Trà (Tây Trà, Quảng Ngãi) và ngày 11-1-2022 sẽ trao cho học sinh Trường THCS Ea Lê (thôn 6, xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/chuong-trinh-tet-dinh-duong-tang-21-tan-xuc-xich-cho-tre-em-vung-cao-a10009.html