MÔ HÌNH TÔM - RỪNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ TÔM CÀ MAU

Hiện nay tại các địa phương có rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau như Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân,..... đang phát triển mạnh mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng với diện tích khoảng 80.000 ha. Thực tế cho thấy mô hình này không chỉ đem lại lợi nhuận cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái rừng ngập mặn, đặc biệt là nâng cao giá trị con tôm Cà Mau.

Huyện Ngọc Hiển có khoảng 53.000 ha, với 11.000 hộ sản xuất theo mô hình tôm – rừng, trong đó có khoảng 20.000 ha vùng nuôi tôm sinh thái được chứng nhận quốc tế với năng suất bình quân đạt 250 kg/ha/năm.

Ông Ngô Minh Dũng - xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

“Nếu mà nuôi trồng sinh thái thì không dùng một chất thuốc gì. Nó ăn ấu trùng của sinh thái biển, tôm nó tự phát, tự lớn. Cà Mau mình nguồn thuỷ sản chất lượng nó rất là cao về mặt con tôm cho nên đặc sản Cà Mau là con tôm, cua.”

Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú là một trong những đơn vị tiên phong trong phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, với các dự án được triển khai từ năm 2013. Qua 10 năm thực hiện, đã có trên 9.500 ha với 2.100 hộ nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt chứng nhận quốc tế.

Ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú

“Có 3 nhóm là các chứng nhận hữu cơ: chứng nhận BAP và chứng nhận BSCI, chứng nhận BIB tôm rừng được cấp vào ngày 29/6/2023 đây cũng là chứng nhận đầu tiên mô hình BIB của Mỹ và hy vọng năm 2023 thì chúng tôi có thể tăng gấp 3 lần diện tích hiện tại.”

Cà Mau hiện có hơn 280.000 ha nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn/năm. Trong đó, có gần 30.000 tấn tôm sinh thái có chất lượng và giá trị cao như tôm rừng, tôm lúa. Đây là thế mạnh, góp phần tạo nên thương hiệu tôm Việt Nam nổi tiếng trên thế giới.

Ông Trần Hoàng Lạc – Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

“Năm 2023 sẽ phát triển thêm 9.000 ha nữa. số còn lại sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo 2024 – 2025. Vận động, tuyên truyền người dân một mặt phải đảm bảo về tỉ lệ rừng, cái thứ hai là đảm bảo về mặt môi trường, cái thứ ba là chấp hành quy luật thời vụ để nuôi, áp dụng khoa học, công nghệ làm như thế nào nuôi cho nó đảm bảo năng suất, chất lượng đủ điều kiện để thâm nhập và các thị trường khó tính.”

Đến nay, tôm Cà Mau đã được cấp 9 loại chứng nhận quốc tế và có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thực tế cho thấy, những mặt hàng từ tôm - rừng đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành tôm hiện tại cũng như trong tương lai./.

tom-1690448835.JPG

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.

Thanh Toàn

 

 

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/mo-hinh-tom-rung-nang-cao-gia-tri-tom-ca-mau-a11679.html