(thoibaongaynay.vn) - Tôi vui vì con không giỏi toàn diện như các bạn tốp đầu nhưng cháu mạnh dạn và nhanh nhẹn, thích hoạt động thể thao, mau mồm miệng.
Con trai về xin mẹ mua bộ dụng cụ cho môn Kỹ thuật lớp 4. Tôi đưa tiền cho con tự đến hiệu sách quen gần nhà. Mua về đến nhà, con xé ngay lớp bọc ngoài và kiểm tra bộ dụng cụ rồi cứ ở ngoài sụt sịt khóc mếu.
Lúc ấy đã chiều muộn, đang hì hục nấu nướng trong bếp, mồ hôi đầm đìa, tôi liền đi ra ngoài hỏi rõ sự tình.
Con trai cứ nức nở nói: "Mẹ ơi, bộ dụng cụ này không có kim chỉ, không có vải để khâu giống các bạn, cô không đồng ý đâu mẹ ơi. Mẹ ơi, có đem đi trả lại cho hiệu sách được không mẹ".
Lúc ấy, tôi cố nén cơn bực dọc và bảo con: "Ai làm gì con đâu mà con khóc, tự con đi mua cơ mà. Hộp dụng cụ này xé ra rồi, không được phép trả lại. Con cứ mang đi học, xem các bạn có đủ bộ dụng cụ không và chờ xem cô nói gì đã, lúc ấy mua sau cũng chưa muộn".
Con tôi vẫn giãy nảy vì sợ cô mắng, mẹ phải kiên nhẫn kể lại chuyện năm ngoái con mua quả địa cầu cho môn Tự nhiên xã hội, cả lớp con chỉ có nửa lớp mang đi, học chung đâu có sao, cô cũng có mắng gì. Lúc ấy, con trai mới thôi khóc mếu nhưng tâm trạng cháu vẫn có gì lo âu.
|
Tôi vui vì con mạnh dạn và nhanh nhẹn, thích hoạt động thể thao. Ảnh: VietNamNet.
|
Hôm sau con đi học về, tôi hỏi ngay xem bộ dụng cụ có dùng được không thì con vui vẻ hơn và bảo bộ đó dùng cho học kì 2, học kì 1 mua bộ dụng cụ có kim chỉ. Con xin tiền mẹ mua tiếp bộ dụng cụ mới để đi học. Tôi hỏi "Thế cô có mắng con không?" thì con cười và lắc đầu. Tôi dặn con: "Lần sau có gì thì cứ bình tĩnh con nhé, chứ khóc mếu thế chán lắm".
Năm nay con lên lớp 4, sách vở cũng nhiều hơn năm ngoái. Lắm khi vợ chồng tôi bận đi làm, cứ để cho con tự đi bộ đến trường. Mấy hôm được nghỉ, có thời gian hơn, tôi xách cái cặp nặng trịch của con lên và đoán chừng tới 4 hoặc 5 kg.
Khiếp thật, thế này tôi cho con "đi lính" sớm quá, đeo ba lô đi bộ đến gần cả cây số chắc cũng mệt. Ấy vậy mà thằng bé không mấy khi kêu ca, con còn láu lỉnh là hôm nào gặp bác hàng xóm đi đón bạn cùng lớp là con xin về cùng. Bác cứ trêu mẹ là nhớ trả tiền xe ôm cho bác.
Có những hôm đúng giờ con tan học buổi trưa thì cơn mưa ập tới. Tôi phát hiện con quên không mang ô trong cặp, nên hớt hải chạy xe tới trường đón, vì con không ăn bán trú ở trường. Dọc đường về, tôi trò chuyện cùng con, dặn nếu gặp mưa lớn thì cứ trú ở trường chờ tạnh rồi hãy về. Đang đi dọc đường mà gặp mưa thì con hãy trú vào mái hiên giống như các anh chị đang làm, bởi đội mưa về nhà sẽ ốm ngay. Nếu muộn mà chưa thấy con về, chắc chắn bố mẹ sẽ đi tìm, nên con cứ yên tâm khi không may quên ô, quên áo mưa khi đi học…
Có lần con ốm vì mải nghịch, đi học về giữa trưa nắng gay gắt mà để đầu trần. Sau lần đó, con luôn nhớ đội mũ đi học, biết giữ gìn sức khỏe không để mẹ nhắc nhở liên tục như trước.
Trẻ con luôn có vô vàn thắc mắc trước mỗi vấn đề dù nhỏ nhất. Có khi chỉ chuyện mang ô, mang mũ đi học mà sáng nào tôi cũng phải nhắc con. Thế nên tôi cũng không quá phiền lòng khi con thường bị cô nêu danh vì nghịch ngợm và hay nói chuyện. Thôi thì mình cứ rèn con và mong con tiến bộ từng chút một chứ không so bì với con nhà người khác giỏi giang và tự giác.
Chị hàng xóm cạnh nhà tôi còn bảo: "Chả hiểu cô dạy dỗ nó thế nào chứ thằng bé nhà cô nghịch quá, nếu là con chị thì ăn đòn suốt ngày". Tôi cũng phải thừa nhận rằng để dạy con vào nề nếp với tôi thực sự là cả một quá trình nhiều mồ hôi và nước mắt.
Tôi bỏ đi cái nhìn khắt khe và nhìn vào các điểm mạnh của con để động viên con cố gắng. Con tôi không giỏi toàn diện như các bạn tốp đầu nhưng con mạnh dạn và nhanh nhẹn, thích hoạt động thể thao, mau mồm miệng. Tôi cảm thấy vui vì điều đó.
Theo Nguyễn Thị Loan / VietNamNet