Giá chung cư tại TPHCM tăng nhanh gấp 7 lần Hà Nội, giá nhà ở riêng lẻ nhanh hơn 3 lần, vì sao doanh nghiệp BĐS phía Nam vẫn gặp khó?

Tốc độ tăng giá chung cư tại Tp. Hồ Chí Minh đang nhanh hơn Hà Nội khoảng 7 lần. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung đều giảm mạnh.

Theo báo cáo bất động sản quý 4 của Bộ Xây dựng, giá nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tp. Hà Nội có biến động vào cuối năm ngoái tuy nhiên mức độ không lớn. Tốc độ tăng giá chung cư tại Tp. Hồ Chí Minh đang nhanh hơn Hà Nội khoảng 7 lần, giá nhà ở riêng lẻ đang tăng nhanh hơn khoảng 3 lần.

Tuy nhiên mặt khác trong năm 2019 tăng trưởng lĩnh vực bất động sản Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt 4,3% thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố và riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung đều giảm mạnh. Hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu. Mới đây lãnh đạo địa phương tổ chức hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp cấp bách khơi thông cho thị trường với việc gặp gỡ lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và hàng chục doanh nghiệp lớn.

Thống kê từ Sở xây dựng Tp. Hồ Chí Minh tổng kết năm 2019 toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, 16 dự án được chấp thuận đầu tư. Những con số này lần lượt giảm 80% so với năm trước đó. Một trong những nguyên nhân là các quy định về pháp luật đầu tư nhà ở đất đai quy hoạch chưa thống nhất quy trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra kiểm tra rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến không thể triển khai. Tình trạng này đã kéo dài 2-3 năm nay khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình thế khó khăn.

"Các nhà đầu tư nước ngoài từng rất phấn khởi với Quốc Cường nhưng đến bây giờ đã quá nản và cho biết sẽ phải rút. Khi họ rút đầu tư thì Quốc cường cũng không có tiền để trả. Đây là bài toán cũng không biết giải quyết như thế nào", bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ tịch CTCP Quốc Cường Gia Lai chia sẻ tại hội nghị.

Ông Võ Văn Hoan phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cho rằng những vướng mắc giữa quy hoạch và giấy tờ giống như bài toán con gà và quả trứng. Theo đó cơ quan quản lý quy hoạch cho rằng phải có giấy tờ chuyển mục đích sử dụng đất và liên quan thì mới tiến hành quy hoạch. Điều này gây khó cho doanh nghiệp.

"Cái đó không phải do lỗi của doanh nghiệp, do sự phối hợp giữa các bộ ngành dẫn tới kết quả không hay lắm đối với từng dự án cụ thể", ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh thừa nhận.

Thành phố Hồ Chí Minh gấp rút khơi thông thị trường bất động sản

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 124 dự án bị ách tắc từ đầu năm 2019. Đến nay thì phần lớn các dự án vẫn chưa được hoạt động trở lại. Nguyên nhân vướng mắc thủ tục pháp lý theo VTV có 3 trường hợp:

Một là rà soát lại pháp lý đất đai nhất là các dự án có nguồn gốc đất công. Trường hợp này chính quyền Tp.HCM không thể làm gì được vì phụ thuộc vào các quyết định của thanh tra chính phủ.

Hai là cấp phép dự án mới vướng do chồng chéo giữa các luật. Trường hợp này chính quyền Tp.HCM cho biết sẽ trình lên Chính phủ để giải quyết.

Ba là sự trì trệ trong việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan sở ngành của Thành phố. Có doanh nghiệp chia sẻ một thủ tục pháp lý có thể giải quyết trong 1 tuần thì phải chờ 11 tháng.

Giá chung cư tại TPHCM tăng nhanh gấp 7 lần Hà Nội, giá nhà ở riêng lẻ nhanh hơn 3 lần, vì sao doanh nghiệp BĐS phía Nam vẫn gặp khó? - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND yêu cầu các sở ngành tập trung giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ cho các dự án. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của trung ương thì đề nghị các sở ngành chuyên môn tham mưu cho UBND Tp. Hồ Chí Minh báo cáo Chính phủ, xây dựng các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Trước tình hình này TP.HCM đã đưa ra dự thảo lộ trình 5 bước giải quyết thủ tục hành chính đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh hỗ trợ các dự án khơi thông thị trường bất động sản gồm:

Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư, giao Sở kế hoạch và đầu tư.

Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết theo tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật quy hoạch đô thị, giao Sở quy hoạch kiến trúc.

Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai, giao Sở tài nguyên và môi trường.

Bước 4: Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất theo quy định, giao Sở tài nguyên và Môi trường, Sở tài chính.

Bước 5: Lập các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng, giao Sở tài nguyên và môi trường, Sở xây dựng.

Xây dựng quy trình là để hạn chế rủi ro, sai sót đảm bảo công bằng nhưng theo các chuyên gia điều quan trọng là làm thật nhanh. Theo Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho biết thời gian qua xác định giá đất, quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian. Riêng thủ tục này mất 1 năm, có dn 2-3 năm, bước thứ 4 có thể kéo thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.

Trước mắt Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong yêu cầu cứ 3 tháng 1 lần lãnh đạo Thành phố sẽ ngồi với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, các sở ngành sẽ họp mỗi tuần tháo gỡ vướng mắc cho 19 dự án, thời hạn xử lý xong trước ngày 30/4/2020.

Theo Tri Thức Trẻ

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/gia-chung-cu-tai-tphcm-tang-nhanh-gap-7-lan-ha-noi-gia-nha-o-rieng-le-nhanh-hon-3-lan-vi-sao-doanh-nghiep-bds-phia-nam-van-gap-kho-a2728.html