Chuyển đổi thị trường để duy trì sản xuất

Những thông báo tạm hoãn, tạm nhập hàng hóa từ đối tác khách hàng ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ đã khiến doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp khó. Nhiều DN buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm… để kéo dài hoạt động sản xuất.

Giảm đơn hàng tại nhiều thị trường xuất khẩu

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết, thông tin về việc EU và Hoa Kỳ đóng cửa nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam là không chính xác. Hoàn toàn không có thông báo nào về vấn đề này. Còn việc DN dệt may, da giày đang gặp khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất là đúng. Bởi rất nhiều DN nhận được khuyến cáo hủy, hoãn đơn hàng do dịch bệnh từ các đối tác nhập khẩu. Tình hình hiện nay, với những đơn hàng chưa sản xuất thì tạm ngưng không sản xuất; còn những đơn hàng nào đã thực hiện cắt may xong thành phẩm thì tạm ngưng xuất khẩu.

Nguyên nhân cũng được các đối tác nói rõ là do sức mua tại thị trường châu Âu, Hoa Kỳ thời gian qua giảm mạnh. Dự báo tình hình kinh doanh ảm đạm trên còn kéo dài đến hết tháng 4. Do vậy, các DN đối tác khuyến cáo DN Việt Nam nên giảm hoạt động sản xuất. 

Chuyển đổi thị trường để duy trì sản xuất ảnh 1Nhiều doanh nghiệp may cho công nhân làm cách nhật để duy trì hoạt động sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG 
Ghi nhận tại nhiều DN sản xuất hàng dệt may, da giày cho thấy, hầu hết đã phải giảm sản xuất từ đầu tháng 3. Một số DN cho công nhân làm cách nhật để duy trì hoạt động sản xuất hoặc giảm số lượng lao động.

Một số DN đã phải chuyển đổi từ gia công quần áo sang may khẩu trang vải kháng khuẩn. Tuy nhiên, việc kéo dài tình hình sản xuất này cũng chỉ có thể duy trì đến hết tháng 4, còn sau đó thì nhiều DN vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Không khó khăn như ngành dệt may, da giày, tuy nhiên nhiều DN chế biến lương thực cũng đang phải giảm hoặc ngưng xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều thị trường.

Đại diện Công ty liên doanh Bột quốc tế Mikko cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, công ty đã ngưng xuất khẩu sang thị trường châu Âu do đơn hàng giảm mạnh. Công ty đã chuyển tập trung xuất khẩu sang thị trường châu Á nhưng sức mua thị trường này cũng đang trên đà giảm, có nguy cơ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Tương tự, Công ty TNHH Tân Nhất Hương cho biết, các đối tác tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc vừa thông báo sẽ tạm ngưng nhập hàng đến tháng 6, do ảnh hưởng dịch bệnh. 

Trái ngược với tình trạng đơn hàng giảm mạnh của nhiều DN dệt may, da giày, chế biến lương thực thực phẩm, từ đầu năm đến nay, các DN ngành chế tạo có số đơn đặt hàng sản xuất tăng vọt, nhưng nhiều DN lại không thể nhận đơn đặt hàng.

Nguyên nhân là do lo ngại không có nguyên liệu sản xuất. Hiện lượng nguyên liệu sản xuất của các đơn vị chỉ có thể duy trì đến hết tháng 4. Một số DN mạnh vốn đã tích trữ nguyên liệu nên có thể duy trì đến hết tháng 6. Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi thì chưa biết, do vậy, việc nhận đơn hàng sản xuất từ tháng 7 trở đi là rất mạo hiểm. 

Thị trường nội: cứu cánh của doanh nghiệp

Trước những khó khăn chồng chất trên, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, những giải pháp mà Chính phủ hỗ trợ như chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội, khoanh nợ, giảm nợ, giảm phí, lệ phí… cho DN là rất kịp thời và cần thiết, nhất là với lĩnh vực dệt may, da giày vốn có lượng lao động rất đông.

Hiện DN dệt may đã được cho chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội. Với những DN vay vốn ngân hàng thì được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay. Các DN cũng đang khảo sát và chủ động lên kế hoạch để duy trì hoạt động sản xuất, cũng như đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ. 

Riêng những DN chế biến lương thực thực phẩm đang xoay trở để gia tăng thị phần nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo ở nhà nhiều hơn và hạn chế đi lại nên theo đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cũng tăng cao hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc duy trì ổn định thị phần tiêu thụ nội địa sẽ giúp duy trì ổn định sản xuất cho lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm và nhiều ngành sản xuất khác. 

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, gần đây, Sở đã khảo sát tình hình hoạt động của nhiều DN, nắm bắt khó khăn của từng ngành. Một mặt cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận nhanh với các nguồn vốn hỗ trợ kích cầu của thành phố.

Với những DN thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, Sở lập báo cáo cụ thể để các bộ ngành liên quan xúc tiến tìm kiếm nguồn nguyên liệu, giải quyết nhanh khó khăn cho DN. Tuy nhiên, phải thấy rằng, về lâu dài, Bộ Công thương cần chỉ đạo các tham tán thương mại xúc tiến tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc.

Theo SGGPO

Nguồn: http//www.sggp.org.vn/chuyen-doi-thi-truong-de-duy-tri-san-xuat-654361.html

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/chuyen-doi-thi-truong-de-duy-tri-san-xuat-a2878.html