Việt Nam cần thay đổi hơn nữa trong chuyển đổi số

"Hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay cần một mệnh lệnh và hành động như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa'. Chỉ bẳng cách đó Việt Nam mới có thể vượt lên và thay đổi mình trong nền kinh tế thế giới", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA - VOIEF 2020” do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng tổ chức ngày 28/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. 
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B), cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Việt Nam cần thay đổi hơn nữa trong chuyển đổi số - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại diễn đàn
Đặc biệt, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều xác định rõ chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam, nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số”, ông Hưng cho hay.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, kinh tế số có khả năng đơn giản hoá thị trường toàn cầu, giống như chợ quê. Đây là một xu thế bắt buộc trong dòng chảy kinh tế toàn cầu, trong kỷ nguyên số. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.  
Theo ông Lộc, trong giai đoạn COVID-19, người dân đã trở nên phụ thuộc lớn vào thị trường trực tuyến, ví dụ như: làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến, yêu trực tuyến. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. 
Ông Lộc cho biết, mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. 
Việt Nam cần thay đổi hơn nữa trong chuyển đổi số - ảnh 2
Các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn, táo bạo chuyển đổi số hơn nữa trong bối cảnh hiện nay
Về phần doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng trách nghiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA lần đầu tiên có chương về thương mại điện tử, và nhấn mạnh đến những cam kết của Chính phủ đối với việc thực hiện những chính sách ưu đãi đối với chuyển đổi số, bao gồm việc không thu thuế đối với việc truyền dẫn số sang biên giới. 
“Đây là phép thử đối với các doanh nghiệp Việt Nam, xem có dám thay đổi, dám bứt phá hay không”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI  cho biết, hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay cần một mệnh lệnh và hành động như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa'. Chỉ bẳng cách đó Việt Nam mới có thể vượt lên và thay đổi mình trong nền kinh tế thế giới".
Vũ Phong/ TPO

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/viet-nam-can-thay-doi-hon-nua-trong-chuyen-doi-so-a3428.html