Trong danh sách những nhà máy thuộc dạng di dời năm 2011 của Hà Nội có 69% chuyển đổi thành khu trung tâm thương mại (TTTM) và chỉ có 1% là chuyển đổi sang mục đích khác ngoài trung tâm thương mại, còn lại 26% dừng hoạt động và 4% đang hoạt động... Những TTTM “sáng bong, sang chảnh” tô điểm cho bộ mặt phát triển hào nhoáng của thành phố liệu thay thế được nhu cầu về không gian xanh công cộng của người dân.
Câu chuyện biến Hà Nội thành thành phố đáng sống bằng cách di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư thay vào đó là mở rộng không gian công cộng, không gian xanh đã được bàn luận nhiều. Nhưng những con số nêu trên lại cho thấy một thực tế khác là các TTTM, các khu tổ hợp căn hộ đua nhau mọc lên, thu về nguồn lợi cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp. Song không phải các TTTM không được lòng người dân. Không ít người lựa chọn các khu tổ hợp giải trí, ẩm thực, mua sắm này là điểm đến vào dịp cuối tuần hay gặp gỡ bạn bè.
Khu đô thị cao cấp cùng tổ hợp giải trí, thương mại tại quận Hai Bà Trưng. Trong tương lai, khu vực này sẽ có thêm cây cầu hiện đại, kết nối đến tổ hợp khu đô thị sang trọng tương tự tại quận Thanh Xuân. Ảnh: Bình Minh
Theo ý kiến của kiến trúc sư (KTS) Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án thành phố sống tốt, tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, đất luôn là nguồn phát triển lợi nhuận cho thành phố và các doanh nghiệp, nhưng vì lợi nhuận nhìn thấy ngay đó mà nhiều khi chúng ta quên đi những chi phí phục vụ cho các vấn đề xã hội khác. Không gian công cộng giúp tăng sức khỏe người dân và giảm chi phí y tế là điều ai cũng nhìn thấy. Đây chính là kinh tế của sự hạnh phúc.
“Giá trị này thuộc về người dân. Trong khi đó, khu đất chuyển đổi thành trung tâm thương mại thì lợi ích đó thuộc về một nhóm người. Đó là những doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu khu trung tâm thương mại đó”, KTS Hải nói.
Cùng quan điểm với ông Hải, PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, lợi ích cần được chia sẻ cho tất cả mọi người. Nếu chỉ nhìn bài toán kinh tế cụ thể thì sẽ không phản ánh được.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng” vừa tổ chức tại Hà Nội, KTS Đinh Đăng Hải khẳng định, nhu cầu của người dân về không gian công cộng chưa bao giờ “nguội”. Thế nhưng, diện tích không gian công cộng của Hà Nội rất hạn chế.
Theo số liệu công bố tại tọa đàm, tổng không gian công cộng bình quân đầu người chỉ 3m2/người. Đặc biệt khu vực quận Hoàn Kiếm chỉ 30cm2/người.
Trong khi tiêu chuẩn tối thiểu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra phải là 9m2. Nhìn vào những con số này, thì Hà Nội còn cách rất xa… tiêu chuẩn tối thiểu. Tất nhiên, nếu tính những phần không gian đệm từ không gian quy hoạch chung thì con số có vẻ rất lạc quan, có thể lên đến 9m2/người.
PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.
Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Thúy Loan nêu rõ khái niệm “không gian công cộng phải thực sự được phát huy, tức là phải có khả năng tiếp cận dễ dàng, thực sự phục vụ cho đời sống hằng ngày của con người”. Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng đưa ra giải pháp, thứ nhất là phát huy tối đa không gian đã có, nâng cao khả năng và chức năng phục vụ. Thứ hai là dùng quỹ đất chuyển đổi từ những đất không còn sử dụng, đặc biệt là trong trường hợp này diện tích đất của những nhà máy di dời là quỹ đất quý để phát triển không gian công cộng.
Tuy nhiên, giải pháp di dời nhà máy khỏi các khu dân cư nội đô Hà Nội cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Ông Lê Thanh Ý, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề “không thể gỡ nút thắt tại điểm di dời nhưng lại thắt một nút mới ở điểm chuyển đến”.
Ông Lê Thanh Ý cho rằng, các vùng ven đô, vùng nông thôn cũng đang chịu những sức ép lớn từ tốc độ đô thị hóa, từ các nhà máy, các khu công nghiệp. Như vậy, vấn đề di dời các nhà máy khỏi các khu vực dân cư trong nội đô để đưa về những vùng nông thôn sẽ lại tạo “nút thắt” tại đây. “Lúc đó, sẽ chỉ có cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Đây là vấn đề nếu không tháo gỡ thì các nhà máy đẩy về nông thôn, nông thôn lại tắc vậy lại đẩy về vùng nông thôn hẻo lánh hơn? Bài toán như vậy sẽ luẩn quẩn không lời giải”, ông Ý nói./.
Theo VOV
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/dat-len-ban-can-kinh-te-hanh-phuc-va-loi-ich-khong-gian-xanh-a3432.html