VĐV chạy siêu đường trường Đỗ Trọng Nhơn: "Tôi từng đối mặt ba sự cố để đời khi chạy địa hình"

Đỗ Trọng Nhơn đang là một trong những chân chạy địa hình đường trường xuất sắc nhất tại Việt Nam. Chàng trai 9x này đã chia sẻ về những kỷ niệm và kinh nghiệm khi tập luyện và thi đấu các giải chạy địa hình.

Chạy địa hình siêu đường dài đang rất phát triển ở Việt Nam, kéo theo đó là khá đông các chân chạy hướng đến việc tập luyện và thi đấu cự ly siêu dài này (trên 42km). Là một trong những VĐV nghiệp dư chạy địa hình xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay, Đỗ Trọng Nhơn đang dần khẳng định vị trí trong làng chạy địa hình ở Việt Nam.

Sau khi biết tin có đến 21 VĐV thiệt mạng trong cuộc thi chạy địa hình 100km ở Trung Quốc hôm 22/5/2021 vừa qua, chàng trai quê Bình Định này đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỷ niệm để đời trong quãng thời gian đến với môn chạy của mình.

Webthethao.vn: Chào Nhơn. Đã từng tham dự các cuộc thi chạy “ultra trail”, kéo dài trong nhiều giờ, anh thấy cái khó nhất khi chạy địa hình siêu đường trường là gì?

Đối với bản thân tôi và mọi “runner trail” (VĐV chạy địa hình) nói chung thì tính chất xa lạ, từ xa lạ dẫn đến yếu tố bất ngờ là điều khó khăn nhất trong một cuộc thi chạy địa hình.

Con số những runner đã từng tham gia một giải và năm sau quay lại cung đường đó; hay những runner địa phương đã từng tập luyện quen với cung đường đó trước cuộc đua hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên đối với tất cả VĐV, cung đường chạy rất khó đoán và xa lạ với quá trình luyện tập của họ.

Điểm bất ngờ thứ hai là thời tiết. Trước các giải chạy hầu như VĐV được thông báo về thời tiết sát sao trên nhiều phương tiện. Thậm chí chúng tôi là những người chủ động tìm hiểu về nó và cách đối phó. Nhưng để tập luyện giả lập và chuẩn bị cho một cuộc đua trong thời tiết khắc nghiệt trong lúc luyện tập hầu như là không thể.

- Anh hãy kể về một kỷ niệm đáng nhớ khi tập luyện và tham gia giải chạy địa hình của mình?

Thú thật là tôi đã từng đối mặt với 3 sự cố để đời trong các cuộc thi chạy địa hình. Sau những lần đó tôi toàn phải giấu gia đình vì thật sự nó rất nguy hiểm và có thể mất tính mạng nếu chủ quan.

Tôi nhớ nhất là kỷ niệm gặp sự cố hạ thân nhiệt tại Đà Lạt năm 2019. Tôi đã chuẩn bị cho cự ly 100km đầu tiên của mình bằng cách tìm hiểu về đường chạy, thời tiết ở Đà Lạt vào tháng 6 sẽ là mùa mưa dầm nên nhiệt độ sẽ thấp và có khả năng cao sẽ phải chạy dưới mưa suốt chặng đường. 

Cách cuộc đua một tháng, tôi có một bài chạy đêm tại Núi Dinh ở Vũng Tàu để làm quen chạy đêm trong điều kiện ẩm ướt. 20 ngày trước đua, tôi đã chạy 3 buổi đêm, tầm 25km/buổi, bắt đầu lúc 22 giờ và kết thúc lúc 00:30 ngày hôm sau để cơ thể vượt qua cơn buồn ngủ và một phần làm quen với nền nhiệt và độ ẩm của khung giờ chuyển tiếp giữa hai ngày.

Tuy nhiên, khi vào ngày đua, trước khi xuất phát 2 tiếng, trời Đà Lạt như cuồng phong, mây kéo đen kịt và đổ mưa rất to. May mắn khi xuất phát thì trời tạnh mưa nhưng cực kỳ ẩm ướt.

Sau 6-7km chạy từ vạch xuất phát tại quảng trường vào rừng thì tôi thấy rất ổn và tự tin. Nhưng khi chạy vào đoạn rừng thông được 3km thì tôi bắt đầu thấy lạnh và rất nhanh chóng, 5km sau đó, cơ thể tôi bắt đầu nhiễm lạnh và phần mạng xương sườn lạnh toát. Lần đầu tiên trong một giải đấu mà tôi đã chuẩn bị rất kỹ nhưng toàn bộ các cơ co rút lại ở ngay km13.

Đoạn từ km15-68 thật sự là một cơn ác mộng, chạy với hai phần chân cứng như đá vì chuột rút. Hai vai bấu víu vào cặp gậy để leo dốc, đến km65 tôi đang vị trí thứ hai, cách người dẫn đầu khoảng 40 phút. Và đến km68 thì tôi chính thức bị rút toàn thân: từ háng, hông, bụng, ngực, hai chân... tôi ngã ngang giữa đường vì đau và chọn DNF.

- Vậy khi quyết định tham gia một giải chạy siêu địa hình thì bản thân anh chuẩn bị như thế nào về tập luyện và cả tâm lý?

Tôi nghĩ quan trọng nhất là tích lũy kinh nghiệm và cố gắng thực hành càng nhiều sẽ khiến ta càng thuần thục và tự tin, cũng là cách giảm thiểu những rủi ro và sai sót không đáng có. Kinh nghiệm có thể trên các loại tài liệu, kinh nghiệm của bản thân từ các giải đấu trước đó. Kinh nghiệm từ những anh/chị hoặc VĐV đi trước.

Hãy lựa chọn một cự ly vừa sức với năng lực của bản thân và mọi thứ đều cần một quá trình, đừng tăng cự ly và chọn thử thách một cách vô tội vạ. Điều đó khiến bạn biến mục đích tốt đẹp của một giải thể thao thành một trò chơi nguy hiểm do bản thân đặt ra.

- Cảm ơn Nhơn rất nhiều.

Đỗ Trọng Nhơn từng giành rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong sự nghiệp chạy bộ của mình. Anh vừa được chọn là đại sứ hình ảnh của giải chạy BaDen Mountain Marathon ở Tây Ninh cuối tháng 4 vừa qua. Đây là 10 danh hiệu đặc biệt và đáng nhớ nhất của của chàng trai được mệnh danh là “hot boy 8 múi chạy bộ” này.

1. Giải nhất cuộc thi VietNam Jungle Marathon 2019 tại Pù Luông (Thanh Hóa) cự ly 55km.

2. Giải nhất cuộc thi Penang Eco Ultra trail năm 2019 diễn ra tại Penang (Malaysia) cự ly 55km.

3. Giải nhì cuộc thi VietNam Moutain Marathon năm 2019 tại Sa Pa (Lào Cai) cự ly 70km.

4. Giải nhất cuộc thi Laan Ultra Trail năm 2019 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) cự ly 75km.

5. Về thứ 5 hạng mục Men Open tại cuộc thi Malaysia Mountain Trail Festival năm 2019 cự ly 84km.

6. Giải nhất cuộc thi Hà Nội Ultra Trail năm 2019 cự ly 55km.

7. Giải nhì cuộc thi VietNam Trail Marathon năm 2019 tại Mộc Châu (Sơn La) cự ly 70km.

8. Người hoàn thành đầu tiên challenge 145km cung đường trail do Tailwind Adventure Community tổ chức tại Núi Dinh, Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 6/2020.

9. Hoàn thành giải Vietnam Mountain Marathon 100km trong 13h58 phút (vị trí thứ 4).

10. Giải nhất cự ly 21km Hệ phong trào toàn quốc tại Giải vô địch leo núi Quốc gia Bà Rá (Bình Phước). 

Khang Vinh/ Webthethao

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/vdv-chay-sieu-duong-truong-do-trong-nhon-toi-tung-doi-mat-ba-su-co-de-doi-khi-chay-dia-hinh-a4083.html