Cụ thể, Hà Nội đề xuất Bộ tài Chính đánh thuế biệt thự bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau một năm, biệt thự vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị biệt thự. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu những căn biệt thự bỏ hoang, với mức phạt 10 - 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên
Thực chất, đây không phải quy định mới. Trước đó, năm 2011, Bộ Tài chính từng xây dựng và hoàn thiện biểu thuế áp dụng đối với các trường hợp biệt thự bỏ hoang để lấy ý kiến với đề xuất áp dụng thu thuế theo thời gian bỏ hoang. Mức đề xuất tương tự như Hà Nội vừa kiến nghị với Bộ Tài chính: Biệt thự bỏ hoang khoảng 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% giá trị hợp đồng. Còn sau một năm mức thuế được áp là 10% trên tổng giá trị biệt thự.
Ngay khi đó, cũng trong năm 2011, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi hàng loạt các chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn, yêu cầu hoàn thiện nhà bỏ hoang với những căn hộ đã có chủ đến hết quý 2/2011. Nếu chủ nhân không hoàn thiện sẽ phải bán lại cho chủ đầu tư theo giá bán tại thời điểm ký hợp đồng giữa hai bên. Tuy nhiên, tiếc là cuối cùng, sự việc này chỉ dừng ở mức “hô hào” rồi rơi vào quên lãng.
Bẵng đi một thời gian, đến năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục xới lại câu chuyện này với mục đích đề xuất bổ sung chính sách thuế góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản.
Thế nhưng, những đề xuất trên cũng chỉ nằm ở trên giấy. Còn theo thời gian, nhiều năm trôi qua, tình trạng biệt thự bỏ hoang tiếp tục diễn ra. Dạo qua một vòng khu vực đường vành đai 3,5, đường 70 và Quốc lộ 32, thấy hàng chục dự án hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Trên mặt đường Lê Trọng Tấn kéo dài (xã An Khánh, Hoài Đức), cách Đại lộ Thăng Long chỉ vài trăm mét, khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn cũng tồn tại hàng trăm căn biệt thự to nhỏ bỏ hoang.
Áp thuế cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ
Ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Bất Động Sản EZ Việt Nam cho rằng, đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang là mơ hồ. Bởi lẽ, xét về khung pháp lý để thực hiện điều này, cần phải dựa trên các luật, nghị định liên quan chứ không phải tự nhiên đưa ra được yêu cầu này. Cưỡng chế đánh thuế với nhà bỏ hoang là vi phạm quyền sở hữu của Luật Dân sự.
Theo ông Toàn, người dân có quyền được sở hữu tài sản của mình và chỉ bị xử phạt trong trường hợp họ vi phạm quy định quản lý của khu đô thị, hay trật tự xây dựng... trong trường hợp họ không xây dựng sai phép, chưa hoàn thiện nhà thì việc đó cũng là quyền lợi của họ.
Khó xác định biệt thự bỏ hoang hay không để đánh thuế. Ảnh: Như Ý |
“Theo văn hóa Á Đông, người dân thường có xu hướng tích lũy qua các tài sản có giá trị như nhà đất, vàng… Do đó, việc “nhà bỏ không” có thể là tài sản tích lũy của người dân chứ không hoàn toàn là hệ quả của việc đầu cơ. Trong khi đó, với các dự án bị bỏ hoang, đây lại thuộc vấn đề quản lý hoạt động xây dựng, đầu tư dự án”, ông Toàn nói.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng cho rằng, đề xuất của TP Hà Nội lần này gần với đề xuất đánh thuế biệt thự bỏ hoang được Bộ Tài chính đưa ra từ năm 2011. “Hơn 10 năm nay, đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách nào chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở. Nếu xác định bằng cảm tính hay quan sát chủ quan từ bên ngoài thì chắc chắn chủ sở hữu sẽ phản đối”, ông Võ nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thì bày tỏ sự đồng tình cần đánh thuế chuyển nhượng cao để “triệt tiêu” ý chí đầu cơ của nhà đầu tư.
Ngọc Mai/TPO
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/kho-danh-thue-biet-thu-bo-hoang-a4228.html