Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thời điểm công bố quyết định kỷ luật ông Sáng tại Tỉnh ủy Đồng Nai có đại diện các tổ chức đảng, chỉ vắng ông Sáng. Sau đó, chi bộ triển khai quyết định kỷ luật đến ông Sáng không được nên đã báo cáo lên Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Theo quy định, trường hợp đảng viên bị kỷ luật từ chối nghe công bố hoặc không nhận quyết định kỷ luật thì ghi vào biên bản, quyết định kỷ luật vẫn được công bố và có hiệu lực thi hành. Như vậy, quyết định kỷ luật khai trừ Đảng ông Sáng đã có hiệu lực thi hành.
"Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh thêm việc công an thông tin ông Sáng bỏ trốn khỏi VN và đang làm thủ tục truy nã quốc tế trong lúc vụ án đã khởi tố" - đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho hay.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc dư luận đang đặt vấn đề vụ án xảy ra tại Sở Khoa học và công nghệ từ cuối năm 2018 nhưng sao để ông Phạm Văn Sáng bỏ trốn, vị đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho biết về thẩm quyền kiểm tra, đề xuất xử lý kỷ luật Đảng khi đó cũng đã xong nhưng tìm không gặp ông Sáng.
Còn khi đó vụ án đã được khởi tố thì thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng nên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy không tham gia quy trình tố tụng. Do vậy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chưa thể đánh giá vụ án này điều tra nhanh hay chậm hoặc vì lý do nào đó mà ông Sáng có thể bỏ trốn.
Như đã thông tin, từ cuối năm 2018 Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã kết luận nhiều sai phạm xảy ra ở Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai do ông Sáng trực tiếp quản lý, điều hành gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân có liên quan, trong đó có ông Phạm Văn Sáng.
Tiếp đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai cũng kết luận ông Phạm Văn Sáng không chỉ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về việc quản lý tài sản công mà còn tùy tiện ký một số quyết định lập đoàn kiểm tra và có vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống... làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, để nhiều cán bộ đảng viên tại đơn vị bị xử lý kỷ luật.
Đến tháng 7-2020, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Phạm Văn Sáng (nguyên tỉnh ủy viên, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ) do vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng... Tuy nhiên, việc thi hành quyết định kỷ luật không có mặt ông Sáng do liên lạc không được.
Đầu năm 2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố, thi hành lệnh bắt ông Sáng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trên, nhưng dù đến nhiều nơi cư trú vẫn không tìm thấy ông Sáng.
Có thể đưa ông Sáng về Việt Nam xét xử?
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã nắm được thông tin cho thấy ông Phạm Văn Sáng đang ở California, Mỹ. Cơ quan này đang thực hiện thủ tục để Bộ Công an truy nã quốc tế đối với ông này thông qua Interpol (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Ngô Hữu Phước - chuyên gia luật quốc tế, giảng viên Trường đại học Kinh tế - luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết theo quy định, để có cơ sở yêu cầu phía Mỹ thực hiện tương trợ tư pháp hoặc dẫn độ, Việt Nam và Mỹ phải ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự hoặc hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam và Mỹ chưa từng ký các hiệp định này.
Theo tiến sĩ Phước, Mỹ và Việt Nam cũng chưa tham gia điều ước quốc tế cho phép hợp tác để dẫn độ hoặc tương trợ tư pháp về hình sự cho nhau (thông thường áp dụng đối với các loại tội phạm quốc tế như tội khủng bố...).
Nhưng trên thực tế, Việt Nam đã từng nhiều lần hợp tác, trao trả tội phạm thông qua tổ chức Interpol theo nguyên tắc "có đi có lại" với các nước như Hà Lan, Phần Lan... dù Việt Nam cũng chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hay dẫn độ với các quốc gia này. Nguyên tắc hợp tác và các vấn đề liên quan cũng được quy định cụ thể trong Luật tương trợ tư pháp 2007 và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tố tụng hình sự tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 của Việt Nam.
THÁI AN
S. Định/TTO