Mấy chục năm trước, hai anh em ông C.D.X (SN 1954) và ông C.Q.V (SN 1956) dắt díu nhau vào vùng kinh tế mới lập nghiệp. Đỡ đần nhau khai hoang, trồng trọt đến lúc cả hai lập gia đình, tách ra ở riêng. Những tưởng không có chuyện gì có thể khiến tình thân rạn nứt, vậy mà từ năm 2019 đến nay, họ liên tiếp đưa nhau ra tòa vì 1.000 m2 đất.
Dây thép gai "rào" luôn tình ruột thịt
Ông V. nói rằng gia đình ông được nhà nước giao 10.000 m2 đất rừng sản xuất từ mười mấy năm trước. Sau khi nhận đất, gia đình ông có canh tác nhưng chưa khai thác hết diện tích vì nhà neo người. Sau đó, vợ chồng ông V. làm thủ tục cấp đổi rồi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ 10.000 m2 đất.
"Không thể canh tác hết toàn bộ mảnh đất một lúc, chúng tôi tính sau khi mấy chỗ đã trồng cây phát triển ổn thì quay lại gia cố phần diện tích đất còn lại" - ông V. giãi bày. Cách đây 3 năm, vợ chồng ông V. dọn nhà sang khu vực khác sinh sống, không còn vào khu vườn thường xuyên như xưa. Vợ ông V. giải thích dù không vào thăm vườn nhưng vợ chồng bà rất yên tâm vì có nhà anh trai (ông X.) sát bên.
Phần diện tích đất chưa trồng cây cứ bỏ không mãi đến năm 2020. Một lần vào thăm vườn, ông V. ngỡ ngàng khi thấy một hàng rào thép gai giăng qua phần đất nhà ông. Cấp tốc đo lại, ông phát hiện hàng rào thép gai đã rào mất 1.000 m2 đất của ông. Tìm hiểu sự tình, ông bàng hoàng hơn khi biết anh trai chính là người rào dây thép gai, rồi nhập 1.000 m2 vào nhà ông X.
Nhiều lần hòa giải không thành, vợ chồng người em khởi kiện đòi đất. Tòa sơ thẩm xử nguyên đơn thắng kiện. Nhất định không gỡ hàng rào thép gai, người anh gửi đơn kháng cáo.
Minh họa: KHỀU
Theo kiện đến cùng
Ra tòa phúc thẩm, bị đơn khăng khăng gia đình ông có mảnh đất khai hoang từ năm 1986. Gần đây, chính quyền địa phương mời ông đến giải quyết những vấn đề liên quan đến phần đất này. Lúc đó, ông mới biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất em trai đứng tên có luôn 1.000 m2 vốn thuộc về gia đình ông. Một phần bực tức, một phần sợ mất đất nên ông X. mua thép gai về rào lại đất. Người anh kiên quyết không trả đất như tòa sơ thẩm yêu cầu.
Đại diện chính quyền địa phương xác nhận quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan chức năng tiến hành đầy đủ thủ tục cần thiết. Hồ sơ không vi phạm pháp luật. Phân xử vụ án ở cấp sơ thẩm, HĐXX thành lập hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ khu vực đất xảy ra tranh chấp. Hội đồng có sử dụng máy định vị GPS xác định tọa độ vùng đất tranh chấp. Kết quả, phần diện tích 1.000 m2 chính xác thuộc sở hữu gia đình nguyên đơn.
Tòa phúc thẩm tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vợ chồng ông V. chưa kịp mừng thì gia đình anh trai nhanh chóng gửi đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Không giấu sự tức giận, ông X. nói: "Mọi người xung quanh đều biết gia đình tôi khai hoang, trồng khoai sắn trên 1.000 m2 đó bao năm qua. Tôi không kiện nó (nguyên đơn- PV) cái tội lén lút chiếm đất, làm sổ đỏ thì thôi, hà cớ gì tôi phải biếu không đất cho nó. Khi xưa nghèo khó, tôi dắt nó đi kinh tế mới, bỏ tiền ra tổ chức đám cưới, cho mượn tiền xây nhà. Vậy mà giờ đây, em tôi quên hết tình nghĩa khi xưa".
Vợ ông V. kiên trì hòa giải xích mích giữa hai anh em ruột nhưng bất thành. Bà cho rằng không phải anh em họ tiếc 1.000 m2 đất mà theo kiện đến cùng, chẳng qua họ tự ái, giận dỗi cách cư xử với nhau. Chồng bà giận anh vì không nói tiếng nào đã vội vã rào thép gai, cấm cửa gia đình em trai. Tương tự, ông X. giận em không nói chuyện rõ ràng, không thông báo chuyện làm sổ đất. Trước kia, hai anh em cùng khai phá khu đất, lập gia đình, họ mới chia đôi thành hai thửa. "Có lẽ chồng tôi vô tình sai sót khi đo đạc làm giấy tờ đất nên mới dẫn đến khúc mắc phân chia 1.000 m2 phần đất giáp ranh với anh trai. Chúng tôi ít học nên nhiều khi không rành mấy thủ tục giấy tờ" - vợ nguyên đơn trần tình.
Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan công tố (nơi nhận đơn) quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" nêu trên. Chấp nhận, cơ quan có thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm tuyên bố hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Vụ án quay lại vạch đích, đồng nghĩa với mâu thuẫn hoặc hiểu lầm giữa hai đương sự là anh em ruột chưa biết tới chừng nào mới có thể tháo gỡ.
Cấp sổ đất chưa chính xác
Theo quyết định giám đốc thẩm, hai cấp tòa chỉ căn cứ nội dung nguyên đơn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi buộc bị đơn trả lại 1.000 m2 là chưa đủ căn cứ, chưa đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, hồ sơ vụ án tồn tại nhiều tình tiết chưa rõ, như: cơ quan chức năng cấp đổi quyền sử dụng đất cho nguyên đơn không đúng vị trí, có tăng hơn 4.000 m2 so với phần đất nhà nước giao ban đầu…
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/quen-tinh-anh-em-vi-1000-m2-dat-a4593.html