Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập của Luật Nhà ở 2014. Trong các kiến nghị của mình, HoREA đề xuất 7 giải pháp để kéo giảm giá nhà ở, với mong muốn người lao động có thu nhập thấp sẽ có nhà ở.
Hiệp hội này kiến nghị sửa đổi bổ sung khoản 3, điều 13 Luật Nhà ở 2014: Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước, để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ với mức ưu đãi bằng khoảng 25- 50% chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang áp dụng cho nhà ở xã hội, để tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển "nhà ở thương mại giá thấp". Điều này đáp ứng nhu cầu nhà ở và đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho nhiều người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị. Ưu đãi hấp dẫn cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và giảm bớt một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, 7 giải pháp đưa ra là đề nghị giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
Giải pháp thứ hai HoREA đề nghị giảm 25% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp (Với dự án nhà ở xã hội được giảm 50%).
Thứ ba, hiệp hội này đề nghị người mua nhà được vay ưu đãi với lãi suất khoảng 7,2 - 7,5 %/năm trong 10 - 15 năm (bằng khoảng 1,5 lần lãi cho vay ưu đãi nhà ở xã hội). Hiện nay, người mua nhà ở xã hội được vay ưu đãi với lãi suất khoảng 4,8 - 5%/năm tối đa không quá 25 năm.
Giải pháp thứ tư là người mua nhà ở thương mại giá thấp sau 5 năm sẽ được bán, chuyển nhượng mà không phải nộp lại tiền sử dụng đất đã được hỗ trợ khi mua nhà.
Thứ năm, HoREA đề nghị nhà đầu tư ưu tiên tiếp cận quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở có giá hợp lý, bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Thứ sáu là xây dựng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đơn giản, nhanh chóng đối với các dự án phát triển nhà ở có giá hợp lý.
Giải pháp cuối cùng là có cơ chế kiểm soát, để đảm bảo mỗi đối tượng chỉ được hưởng chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhà ở thương mại một lần.
Theo HoREA, tại TP.HCM, đang có đến khoảng 1,9 triệu người thuê nhà ở, nhu cầu thuê, mua, thuê mua nhà ở giá thấp rất lớn. Riêng 17 khu công nghiệp, khu chế xuất có hơn 280.000 công nhân, nhưng chỉ có khoảng 16% được thuê chỗ ở trong các khu lưu trú công nhân, khoảng 60% phải thuê phòng trọ, nhà trọ chật hẹp, không đảm bảo an toàn và qua dịch Covid-19 chứng kiến dễ lây lan dịch bệnh.
Cùng với đó là khoảng nửa triệu sinh viên nhưng ký túc xá chỉ mới giải quyết được khoảng 25% chỗ ở.
Qua kết quả điều tra dân số, nhà ở ngày 1/4/2019, TP.HCM có 2.558.914 hộ. Số hộ quy mô nhỏ dưới 4 người là 2.018.471 hộ, chiếm 79% tổng số hộ, trong đó số hộ có 1-2 người chiếm 32,1% mà phần lớn có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/horea-hien-ke-7-cach-khien-gia-nha-o-tphcm-giam-a5873.html