Đi hỏi vợ cho con, bà mẹ khen con dâu: "Trông giòn gái", tức khen cô ấy là xinh đẹp, dịu dàng, thùy mị, chẳng khác gì câu "vừa xinh vừa giòn". Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng có câu: "Ở nhà nhất mẹ, nhì con/Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta". Ca dao kháng chiến: "Chị em du kích Thái Bình/Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn/Người ta nhắc chuyện chồng con/Lắc đầu nguây nguẩy: "Em còn giết Tây". Một khi không còn xinh xắn, tươi tắn nữa, tức là đã hết giòn. Cũng chẳng việc gì phải lo: "Cau già dao sắc lại non/Nạ dòng trang điểm lại giòn như xưa". Ngày xưa, ông cha ta khi trao duyên, tán tỉnh đã có cách nói cực kỳ ẩn dụ, bay bướm mà không kém phần suồng sã: "Người xinh cái bóng cũng xinh/Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn". Vậy "cái tỉnh tình tinh cũng giòn" là thế nào? Xin tự hiểu lấy vậy.
Tranh “Thiếu nữ bên hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân
Tóm lại, từ "Từ điển Việt - Pháp" của J.F.M Génibrel (1898) đến nay, hầu hết đều giải thích người giòn là người đẹp. Với cách hiểu từ giòn như vậy, có câu nghi vấn được đặt ra: Tại sao tục ngữ lại bảo "Nhiều con giòn mẹ"? Xét ra cực kỳ vô lý, vì ai cũng biết một khi người phụ nữ sinh nở nhiều ắt hao mòn sức khỏe, thậm chí "Người chửa cửa mả" nữa đấy chứ. Thế thì giòn là giòn cái nỗi gì?
Trong ngữ cảnh của câu tục ngữ trên, "giòn" phải được hiểu như thế nào? Ngoài 3 nghĩa mà "Đại từ điển tiếng Việt" cũng như nhiều từ điển khác đã giải thích: 1. Dễ gãy, vỡ vụn, thường kèm theo âm thanh khi gãy, vỡ; 2. Có âm thanh đanh gọn, nghe vui tai; 3. Người phụ nữ có vẻ khỏe mạnh - "Từ điển tiếng Huế" của Bùi Minh Đức còn ghi nhận thêm một nghĩa nữa: "Khỏi. Ham chơi thì giòn ăn. Ăn cơm thì giòn ăn bắp". Từ cách nói của vùng miền, địa phương, ta hoàn toàn có thể hiểu đúng câu "Đông con giòn mẹ".
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/nguoi-gion-cai-tinh-tinh-tinh-cung-gion-a5974.html