Khu vực lõi trung tâm TP.HCM với các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Đông Du, Công Trường Lam Sơn… từ trước đến nay vẫn là nơi có giá đắt đỏ nhất TP.HCM. Năm 2020, nghiên cứu của một công ty thị trường công bố top các tuyến đường có giá đất đắt đỏ nhất TP.HCM, đứng đầu là phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ở thời điểm đó, giá đất tại đường Nguyễn Huệ bình quân là 1,1 tỷ đồng, đặc biệt tại nơi cao nhất, giao dịch ghi nhận lên đến 1,37 tỷ đồng.
Nơi có giá đất cao thứ 2 là các tuyến đường Mạc Thị Bưởi, Đông Du và Nguyễn Thiệp, với giá đất bình quân 1 tỷ đồng/m2.
Đồng Khởi, với điểm đầu từ Nhà thờ Đức Bà và điểm cuối giáp Võ Văn Kiệt, với rất nhiều ngân hàng, trung tâm thương mại lớn, khách sạn, nhà hàng… sầm uất, là tuyến đường có giá đất cao thứ 3 trong top những khu vực có giá đất cao nhất TP.HCM, với 980 triệu đồng/m2.
Thứ 4 là con đường Công xã Paris, nối giữa đường Đồng Khởi và đường Lê Duẩn cũng thuộc phường Bến Nghé, có mức giá trung bình 962 triệu đồng/m2.
Thứ 5 là đường Hồ Huấn Nghiệp, có giá trung bình 907 triệu đồng/m2.
Các đường Thi Sách, và Alexandre De Rhodes cũng thuộc phường Bến Nghé, với giá bình quân thời điểm đó là 868 triệu đồng/m2.
Tiếp theo là đường Lê Lợi thuộc phường Bến Thành, Quận 1, nơi có chợ Bến Thành và Nhà hát thành phố, có nhà ga số 1 của tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên, giá đất bình quân 863 triệu đồng/m2.
Đường Lê Anh Xuân cũng thuộc phường Bến Thành, có giá đất bình quân 852 triệu đồng/m2.
Đường Nguyễn An Ninh bên hông chợ Bến Thành đứng kế tiếp trong danh sách, với giá đất bình quân 845 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá lô đất 3-12 năm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã phá vỡ mọi kỷ lục về giá bất động sản tại TP.HCM từ trước đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, cập nhật của các công ty nghiên cứu bất động sản, các tuyến đường này vẫn là những nơi có giá đất đắt đỏ nhất TP.HCM, nhưng giá cao nhất cũng chỉ bằng hơn một nửa mức giá mà Tân Hoàng Minh chi để mua một m2 đất Thủ Thiêm trong cuộc đấu giá ngày 10/12.
Cụ thể, theo cập nhật mới nhất trong tháng 11/2021 của Gạch Vàng, giá trị trung bình bất động sản tại khu vực phường Bến Nghé, quận 1 là 683.592.000 đồng/m2. Đơn vị vị này dự báo xu hướng giá sẽ ổn định trong vòng 3 tháng tiếp theo đến tháng 2/2022.
Khảo sát riêng từng tuyến đường, Đồng Khởi đang có giá cao nhất, với hơn 1,53 tỷ đồng/m2. Công Trường Lam Sơn giá khoảng 1,29 tỷ đồng/m2. Đường Nguyễn An Ninh khoảng 1,28 tỷ đồng/m2
Đường Nguyễn Huệ vẫn ở mức giá hơn 1,16 tỷ đồng/m2. Đông Du có giá đất ngang ngửa Nguyễn Huệ, cũng ở mức hơn 1,16 tỷ đồng/m2.
Đường Lê Anh Xuân hơn 1,13 tỷ đồng/m2. Đường Mạc Thị Bưởi có giá hơn 1,1 tỷ đồng/m2. Đường Nguyễn Thiệp có giá hơn 1 tỷ đồng/m2.
Các tuyến đường như Lê Thánh Tôn gần 940 triệu đồng/m2, đường Thi Sách gần 830 triệu đồng/m2, đường Lê Lợi khoảng hơn 767 triệu đồng/m2, đường Tôn Thất Thiệp khoảng hơn 700 triệu đồng/m2...
Ngày 10/12, các kỷ lục về giá đất tại TP.HCM đã bị phá vỡ, khi tại buổi đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã đưa ra mức giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 để chốt lô đất có ký hiệu 3-12.
Con số chính xác mà doanh nghiệp này đưa ra là 24.500 tỷ đồng để đấu giá thành công 10.059,7 m2. Từ mức giá này, thị trường bất động sản TP.HCM xác lập kỷ lục giá đất cao nhất trong lịch sử, với gần 2,45 tỷ đồng/m2.
Mức giá khiến nhiều doanh nghiệp thâm niên trên thị trường bất động sản nghi ngờ về hiệu quả đầu tư của lô đất, cũng như sản phẩm mà doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ đưa ra thị trường.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại bong bóng bất động sản, khi thị trường đang tạo ra mặt bằng giá mới quá cao.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/noi-nao-o-tphcm-dang-co-gia-dat-cao-nhat-a6127.html