Người Hà Nội ngắm mênh mông mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của Ca Lê Thắng

TTO - Một mùa nước nổi mênh mông xúc cảm của Ca Lê Thắng - một người con của quê hương Đồng Tháp Mười - đang được bày ra với công chúng thủ đô tại phòng tranh Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Người Hà Nội ngắm mênh mông mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của Ca Lê Thắng - Ảnh 1.

Không gian triển lãm Mùa nước nổi - Ảnh: T.ĐIỂU

Giới hội họa và những người yêu mỹ thuật Hà Nội đang náo nức rủ nhau tới một triển lãm rất đẹp của Ca Lê Thắng - triển lãm Mùa nước nổi.

Sự náo nức không chỉ đến bởi cái tên Ca Lê Thắng, bởi đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông, mà còn bởi cái dạt dào tình cảm trong từng nét vẽ, vết nhòe loang và từng sắc màu trong hơn 40 bức tranh trừu tượng biểu hiện cùng vẽ chủ đề mùa nước nổi - thứ mang sức quyến rũ của cái mới lạ với người Hà Nội.

Là người con của Bến Tre - vùng "rốn" của mùa nước nổi, 5 tuổi Ca Lê Thắng lần đầu tiên gặp gỡ thực sự với cái mùa đặc biệt này khi một buổi sáng sớm vừa choàng tỉnh dậy, cậu bé thấy nước ngập tới tận chân giường mình ngủ.

Hương phù sa cùng những tiếng ì ầm của con nước khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ trong một buổi sáng tinh khiết khiến dù hơn chục năm làm học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, học ở ngôi trường "Mỹ thuật Yết Kiêu" cũng không hề phai nhòa.

Sau giải phóng, trở về giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Gia Định rồi làm công tác hội tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, những chuyến đi thực tế về Đồng Tháp Mười đã trả cho Ca Lê Thắng về lại những mùa nước nổi, tìm lại những con nước đã đóng vỉa trầm tích trong mình từ cái ngày còn lên 5.

Từng vẽ những bức về mùa nước nổi từ cách nay khoảng 30 năm nhưng phải đợi tới gần đây, khi cảm xúc thật dày và phong cách thật chín, Ca Lê Thắng mới tập trung vẽ chủ đề mùa nước nổi trong vòng vài năm trở lại đây.

Người Hà Nội ngắm mênh mông mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của Ca Lê Thắng - Ảnh 2.

Các bức tranh trong triển lãm đều có tên chung Mùa nước nổi

Với bút pháp bán trừu tượng pha trộn cả trường màu toàn cảnh và cực thực cận cảnh theo nhận định của nhà phê bình Nguyễn Quân, Ca Lê Thắng vẽ lên những mùa nước nổi của hiện thực và cả mùa nước nổi của tâm tưởng tác giả.

Người ta có thể thấy trong những vỉa màu đầy tâm trạng trong loạt tranh này không chỉ có đất bùn, phù sa, cỏ cây lau lách chìm trong nước hoặc phất phơ trên mặt nước, mà còn như thấy cả những lớp trầm trích ngàn năm lắng lại cùng con nước nổi, cả trầm tích của thiên nhiên và trầm tích văn hóa.

"Đứng trước những tác phẩm của họa sĩ, quan sát và để mình chìm vào suy tưởng, tôi như lắng nghe được, nhìn và hình dung ra lời thầm thì của sóng nước, của tạo hóa, đang kể lại câu chuyện ngàn năm", nhà điêu khắc Đào Châu Hải chia sẻ cảm nhận về triển lãm.

Còn nhà phê bình Nguyễn Quân thì đánh giá loạt tranh này của Ca Lê Thắng tương tự như văn của Nguyễn Quang Sáng, hay những câu chuyện của Sơn Nam… chính là đại diện xứng đáng cho văn hóa Cửu Long trong môi sinh văn hóa đương đại nước ta.

Xem triển lãm Mùa nước nổi lần này, nhiều người ngạc nhiên khi biết đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Ca Lê Thắng và lại được tổ chức ở Hà Nội chứ không phải ở Nam Bộ quê hương ông.

Ca Lê Thắng bảo ông muốn làm một cuộc trở về này để báo đáp mái trường xưa, và để gặp gỡ với bạn bè văn nghệ rất đông đảo của ông ở Hà Nội.

Họa sĩ Lý Trực Sơn không tiếc lời ngợi khen triển lãm của bạn mình. Ông nói "cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam Bộ và rất Việt Nam".

Người Hà Nội ngắm mênh mông mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của Ca Lê Thắng - Ảnh 3.

Tác giả như vén nước ra mà vẽ một thế giới thủy sinh sống động dưới con nước nổi ở Đồng Tháp Mười

Người Hà Nội ngắm mênh mông mùa nước nổi Đồng Tháp Mười của Ca Lê Thắng - Ảnh 4.

Nhiều họa sĩ chỉ thốt lên câu "Quá đẹp" khi đi xem triển lãm của Ca Lê Thắng

Tranh của danh họa Mai Trung Thứ tiếp tục vượt mốc triệu đô Tranh của danh họa Mai Trung Thứ tiếp tục vượt mốc triệu đô

TTO - Phiên đấu giá Mapping Modernities của Sotheyby’s Hong Kong đã gọi tên bức tranh triệu đô thứ 9 của mỹ thuật Việt Nam: tác phẩm Người phụ nữ đội nón lá bên sông.

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/nguoi-ha-noi-ngam-menh-mong-mua-nuoc-noi-dong-thap-muoi-cua-ca-le-thang-a6491.html