PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng gần đây đảng viên, quần chúng suy thoái về tư tưởng có trách nhiệm của văn học nghệ thuật - Ảnh: T.ĐIỂU
Theo PGS.TS Đào Duy Quát, thời gian qua văn học nghệ thuật có một phần trách nhiệm về tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên và quần chúng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội và tội phạm gia tăng.
"35 năm sau đổi mới, văn học nghệ thuật đã đưa ra xã hội quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.
Quá nhiều tác phẩm tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những biểu hiện chủ yếu xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật.
Đã có không ít những tác phẩm truyền bá lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước", PGS.TS Đào Duy Quát nói.
Phản bác quan điểm này, nhà phê bình Ngô Thảo cho rằng "nói sự hư hỏng của cán bộ có tội của văn học nghệ thuật là hơi oan quá". Theo ông Thảo, để phát triển văn học nghệ thuật, trong tương lai "phải huy động 11 triệu cán bộ thưởng thức văn học nghệ thuật", "5 triệu đảng viên thì ít nhất cũng phải xem những phim về Bác Hồ, phải đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo về văn hóa nghệ thuật".
"Chúng ta cứ nói văn hóa nghệ thuật quan trọng nhưng thực ra cũng chẳng quan trọng lắm đâu. Vì như cuốn Mối chúa bán lay lắt 1.000 - 2.000 bản.
Muốn phát triển văn hóa văn nghệ thì phải làm sao tất cả học sinh Việt Nam biết cầm đến tờ báo Văn Nghệ, một cuốn sách văn học mà đọc. 11 triệu cán bộ của mình cũng phải đọc sách. 500 đại biểu Quốc hội cũng phải có tủ sách trong nhà, để họ trở thành những người gieo mầm văn hóa.
Phải tạo ra nhu cầu lớn về văn hóa thì tiếng nói của văn nghệ mới đi vào cuộc sống và phát triển mạnh mẽ", ông Ngô Thảo nói.
Kiến nghị một số giải pháp phát triển văn học nghệ thuật, PGS.TS Đào Duy Quát nêu ý kiến trong 3 năm tới phải hoàn thành việc thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, định hướng phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam thành luật, nghị định, cơ chế chính sách.
Đặc biệt cần sớm ban hành luật về tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật, hoàn thiện hơn pháp luật về sở hữu trí tuệ, luật bản quyền…
Ông Quát nói nhà văn cần có tự do sáng tác để có thể phát huy tất cả tài năng, sáng tạo ra tác phẩm có giá trị nên rất cần thể chế bằng luật để đảm bảo tự do sáng tạo gắn liền với trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/tranh-luan-ve-trach-nhiem-cua-van-hoc-nghe-thuat-a6749.html