Từ trái sang: họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà sưu tập Trương Văn Thuận và họa sĩ Đặng Kim Long đứng trước chân dung những thầy giáo khả kính của trường vẽ Gia Định - Ảnh: M.THỤY
"Thế này mới là sơn mài chứ!" - nhà sưu tập Trương Văn Thuận không giấu được xúc cảm tột bực khi ngắm bức tranh Bà Chúa của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.
Công chúng đến triển lãm cũng sẽ được thưởng thức những tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ do nhà sưu tập Trương Văn Thuận sở hữu. Không chỉ riêng ông Trương Văn Thuận thấy thảng thốt khi đứng trước tác phẩm Bà Chúa và cũng không chỉ riêng bức ấy Hồ Hữu Thủ khiến khán giả của ông mê mẩn.
Hồ Hữu Thủ vốn nổi danh với sự sáng tạo và đào sâu không ngừng nghỉ. Không nhiều người ở tuổi như ông vẫn còn đủ sức khỏe để vẽ những bức sơn mài khổ lớn, ghép 3 tấm, ấy là chưa nói đến sự biểu đạt của tác phẩm đạt đến độ diệu vợi trong ánh sáng: khi tối, tối thăm thẳm với mảng tối rộng và hút.
Còn khi sáng, chỉ nhả sáng một vài điểm xuyến, như cơ man nguồn sáng tụ lại ở cái chấm nhỏ đấy. Ông vẽ thân hình của thiếu nữ thật đẹp, phần lả lơi, phần đầy đặn vẻ nghiêm nghị pha sắc sảo. 40 bức tranh của Hồ Hữu Thủ tại triển lãm không nói lên hết sức sáng tác dồi dào của ông, vẽ như hơi thở.
Chính bởi tinh thần không ngừng khai phá con đường mới của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã suy tôn ông như một "vị thuật sĩ của nghệ thuật sơn mài Việt".
Đặng Kim Long mang số phận nghệ thuật luẩn quẩn lạ thường giữa mưu sinh và sáng tác. Ông đến với nghệ thuật trong cảnh nghèo túng và rồi phải tạm ngưng vẽ để làm việc kiếm sống.
Sau khi trở lại với thế giới hội họa từ năm 2000, họa sĩ Đặng Kim Long nối tiếp niềm say mê cầm cọ nhưng mãi cho đến khi sang Úc và nhờ nhân duyên, những tác phẩm của ông mới được công nhận.
Năm 2017, ông trở thành thành viên và là chuyên gia danh dự của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia Nam Úc.
Dù mang đến triển lãm Mùa xuân 79 tác phẩm, họa sĩ Đặng Kim Long vẫn dành trọn tâm huyết của mình cho loạt tranh chân dung những nhà giáo khả kính của trường vẽ Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP.HCM) như một sự tri ân chân thành.
Từ những bậc thầy này, Đặng Kim Long đã được thọ giáo cả kỹ thuật lẫn phương pháp thẩm mỹ và đặc biệt là kỹ thuật nắm bắt ánh sáng.
Chính vì vậy, trong những bức sơn mài của ông, như tác phẩm Hội chùa, ánh sáng được rải ra trên bề mặt tranh, hòa với không khí rộn rã của ngày xuân. Hoặc ngay cả ở tranh màu nước, không gian mờ sương của Đà Lạt cũng được Đặng Kim Long pha vào nét trữ tình của kiến trúc, cỏ cây.
Triển lãm diễn ra đến ngày 25-12.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/cuoc-song-tau-anh-sang-cua-hai-hoa-si-lao-thanh-a6860.html