Kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam được Công ty Việt Á cung cấp - Ảnh: Bộ KH&CN
Gửi đơn đề nghị hoàn tiền chênh lệch vì bị "thổi giá"
Mới đây, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (tỉnh Sóc Trăng) đã gửi đơn đến Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị sau khi có kết luận điều tra, cơ quan có thẩm quyền cần buộc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) phải hoàn trả số tiền chênh lệch mà công ty này đã mua kit xét nghiệm bị "thổi giá".
Liệu Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã mua kit xét nghiệm có thể đòi lại tiền chênh lệch giá không và bằng cách nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng hiện nay Bộ Công an mới khởi tố các đối tượng về hành vi vi phạm trong đấu thầu. Quá trình điều tra mở rộng có thể khởi tố thêm tội danh, cũng như xử lý thêm các đồng phạm liên quan.
Về nguyên tắc, khi giải quyết vụ án hình sự thì các cơ quan tố tụng đồng thời sẽ giải quyết các vấn đề dân sự có liên quan phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, bị cáo. Vì vậy, quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ xác định doanh nghiệp, đơn vị nào là bị hại, thiệt hại ra sao?
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị nào cho rằng mình là nạn nhân, bị thiệt hại do phải mua kit xét nghiệm với giá bị "thổi" hoàn toàn có quyền gửi đơn đến cho cơ quan điều tra để yêu cầu bảo vệ quyền lợi.
Nếu được xác định tư cách tham gia tố tụng là bị hại thì doanh nghiệp, đơn vị đó sẽ được xem xét giải quyết quyền lợi về dân sự trong vụ án. Tuy nhiên, để được xác định tư cách là người bị hại thì phải hội đủ 2 điều kiện.
Sẽ được hoàn tiền nếu...
Thứ nhất, doanh nghiệp, đơn vị cho rằng mình là bị hại thì phải kèm theo chứng cứ chứng minh. Chẳng hạn như doanh nghiệp, đơn vị có thể chứng minh rằng mình rơi vô tình thế dịch bệnh nguy cấp, rất cần kit xét nghiệm để bảo đảm an toàn sức khỏe cũng như bảo đảm điều kiện lao động cho công nhân…
Đồng thời chỉ có mỗi Công ty Việt Á cung cấp mặt hàng này hoặc bị cơ quan chức năng ép, yêu cầu khiến doanh nghiệp không thể không mua của Công ty Việt Á, hoàn toàn không có sự thương lượng, thuận mua vừa bán.
Thứ hai, yêu cầu và chứng cứ của doanh nghiệp, đơn vị cho rằng mình là bị hại phải phù hợp với tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra thu thập khi làm rõ hành vi, tính chất mức độ phạm tội của các đối tượng.
"Có thể thấy, theo điều tra ban đầu thì có nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã mua bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác định ngay ai là bị hại. Khách hàng nào đã mua kit của Công ty Việt Á với giá "thổi" có quyền gửi đơn cho cơ quan điều tra để phối hợp làm rõ và được yêu cầu buộc các đối tượng trong vụ án bồi thường, hoàn trả tương ứng. Còn đối với tiền, tài sản là vật chứng vụ án thì theo quy định sẽ bị tịch thu sung công" - luật sư Hà Hải phân tích.
Đồng tình, luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng đối với trường hợp các doanh nghiệp mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà thuận mua vừa bán, thì không thể đòi lại tiền chênh lệch giá hay yêu cầu cơ quan chức năng phân xử đòi lại tiền chênh lệch.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/mua-kit-xet-nghiem-bi-thoi-gia-cua-cong-ty-viet-a-doi-lai-tien-duoc-khong-a8674.html