Tuyển Việt Nam (trái) đã chơi nỗ lực trong trận bán kết lượt về nhưng vẫn không thể lội ngược dòng trước Thái Lan - Ảnh: ESPN
Á quân U-23 châu Á, vô địch AFF Cup, tứ kết Asian Cup, vô địch SEA Games và vào đến giai đoạn cuối cùng của vòng loại World Cup. Đó là một chuỗi những điểm son không thể nào quên của bóng đá Việt Nam trong bốn năm qua, kể từ khi HLV Park Hang Seo dẫn dắt các đội tuyển của Việt Nam.
Đêm 26-12, trong một ngày buồn của đội tuyển Việt Nam khi trở thành cựu vương sau trận hòa Thái Lan 0-0 ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2020, chúng ta có thể nhắc lại những chiến tích ấy. Nhưng nhắc không phải theo kiểu để "ăn mày dĩ vãng", mà để nhớ rằng: thế hệ này của bóng đá Việt Nam đã duy trì sự tiến bộ liên tục kéo dài lâu đến thế nào.
Có thể hơi khập khiễng, nhưng nếu nhìn ở góc độ bóng đá thế giới, trong hai thập niên trở lại đây cũng chỉ có Tây Ban Nha là nền bóng đá duy trì sự tiến bộ kéo dài nhiều hơn 4 năm.
Từ năm 2002, hầu hết những nhà vô địch World Cup đã sảy chân ngay ở giai đoạn vòng bảng của kỳ World Cup tiếp theo. Vì vậy, các chiến lược gia hàng đầu của bóng đá thế giới vẫn luôn nói rằng "đứng trên đỉnh cao khó hơn leo lên đỉnh cao".
Một đội bóng một khi đã bước lên ngôi vương, lối chơi của họ sẽ trở thành giáo án cho tất cả các đội bóng khác nhìn vào, học hỏi, khắc chế và cải tiến. Ở AFF Suzuki Cup năm nay, HLV Park Hang Seo rõ ràng đã bị bắt bài bởi những người đồng nghiệp dẫn dắt tuyển Indonesia (HLV Shin Tae Yong) và Thái Lan (HLV Mano Polking).
Đó là chưa kể đến một số con tính sai lầm của chiến lược gia người Hàn Quốc, như việc dốc sức đá với Campuchia ở trận cuối cùng của vòng bảng nhưng rồi vẫn không giành được ngôi đầu bảng.
Nhưng mất đà thăng tiến không đồng nghĩa với sự đi xuống trong tương lai. Ngoài vấn đề chiến thuật, thầy trò HLV Park Hang Seo thực sự đã đến AFF Cup mà không có lực lượng tốt nhất.
Trong chuỗi tiến bộ bốn năm qua, chúng ta đã phải tự nhắc nhở rằng - thành tích của đội tuyển quốc gia không đồng nghĩa với sự tiến bộ chung của cả nền bóng đá. Còn cần đến chất lượng giải đấu, chất lượng đào tạo, cấp độ bóng đá phong trào để bao hàm khái niệm "nền bóng đá".
Vậy thì bây giờ, một thất bại nhất thời cũng không thể đánh đồng là sa sút. Bóng đá Việt Nam có thể tạm mất ngôi vua ở khu vực, nhưng vẫn đang duy trì đà tiến bộ vào nhóm hàng đầu châu lục.
Thất bại mang đến nỗi buồn, và có thể khởi đầu cho sự sa sút, nhưng đôi lúc cũng chỉ là khoảng lặng vừa phải trong chuỗi ngày thăng tiến.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/tuyen-viet-nam-khoang-lang-trong-chuoi-vinh-quang-a8856.html