Ấm áp với những đổi thay của bệnh viện

TTO - Tôi đến khám tổng quát tại Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP.HCM) và ra về trong tâm trạng thật vui vì những điều mắt thấy tai nghe tại bệnh viện này.

Ấm áp với những đổi thay của bệnh viện - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) trao giấy xuất viện cho bệnh nhân COVID-19 hồi tháng 7-2021 - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Nhân viên giữ xe gắn máy chào tôi bằng cái gật đầu thân thiện. Gặp một cô điều dưỡng, tôi hỏi thăm vị trí khu vực khám chữa bệnh và nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình.

Tại phòng khám, tôi được bác sĩ Lê Thị Thúy Lan hỏi han rất kỹ trước khi chỉ định cho tôi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Những gì nên và không cần thiết phải tầm soát tôi cũng được giải thích cặn kẽ. 

Đặc biệt với các xét nghiệm không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nữ bác sĩ đã khuyên tôi cân nhắc, chỉ lựa chọn khi thấy thật sự phù hợp.

Lúc lấy mẫu nước tiểu, tôi bất ngờ và cảm kích khi nhìn thấy khay làm bằng thanh kim loại xinh xắn, được gắn chắc chắn vào vách tường nhà vệ sinh, bên trên là dòng chữ "Kệ đựng mẫu bệnh phẩm". Nhờ vậy, người dân có nhu cầu xét nghiệm không còn phải loay hoay tìm nơi đặt tạm mẫu.

Bước ra phòng bên ngoài có bồn rửa tay, tôi "tái ngộ" vật dụng dễ thương này lần nữa, chỉ khác ở dòng chữ phía trên "Nơi để mẫu xét nghiệm". Việc làm tuy nhỏ, chỉ với một thanh nhôm đơn giản, chi phí chẳng bao nhiêu nhưng ý nghĩa và sự tiện lợi vô cùng lớn. 

Những bệnh nhân là phụ nữ thường mang nhiều đồ dùng cá nhân sẽ rất hài lòng, khi được giải tỏa nỗi lo trước đây "tay xách nách mang". Quả thật, nếu buộc phải để mẫu bệnh phẩm trên bồn rửa mặt sẽ rất khó coi.

Trong phòng siêu âm, đo điện tim hay chụp CT, nhân viên phụ trách đều chuẩn bị sẵn những rổ nhựa vừa đủ cho người bệnh tạm để điện thoại, ví tiền, đồng hồ, nữ trang. Lịch sự, gọn gàng và ấm áp là những giá trị mang lại từ món đồ giản dị ấy.

Bác trai nội soi dạ dày trước tôi kể lại trường hợp của bác thuộc diện "ca khó" bởi bệnh lý phức tạp, thời gian nội soi hơn 15 phút. Vậy nhưng, bác sĩ và kỹ thuật viên luôn tận tình, còn dành hẳn vài phút động viên để bác thật sự thoải mái.

Nhiều bệnh nhân đã đến đây thường xuyên cho biết bệnh viện đã cải tiến thật nhiều gần hai năm qua. Thêm nhiều bác sĩ và tinh thần phục vụ được nâng cao. Khi đến được hỏi han, khi về được dặn dò.

Ấn tượng nhất là mỗi lần nghe tiếng loa mời bệnh nhân, tôi đều được nghe đại từ nhân xưng đầy trân trọng, lễ phép trước họ tên. Nhờ vậy, khi nghe đọc "mời bác, ông, bà, cụ... T.N.H.", ai cũng thấy như khỏe hơn dù chưa dùng đến toa thuốc vừa được nhận. Có một cụ cao tuổi nhất được nhân viên mang thuốc BHYT đến cung kính trao tận tay.

"Điểm cộng" cho cơ sở y tế này rất nhiều. Tôi và một số bệnh nhân chỉ có một góp ý nhỏ. Xét nghiệm ký sinh trùng dĩ nhiên người bệnh chi trả toàn phần, giá thành gần 300.000 đồng/loại. Chúng tôi so sánh thấy gấp đôi so với mức 120.000 - 150.000 đồng ở nơi khác. Vì vậy, tôi phải mất thêm một buổi sáng để thực hiện xét nghiệm này ở nơi thu tiền thấp hơn.

Thật ấm áp với những đổi thay của bệnh viện và rất mong bệnh viện quan tâm điều chỉnh đối với mức phí loại xét nghiệm nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT. Lời cảm ơn và mong ước này xin gửi đến Bệnh viện Lê Văn Việt cũng như những cơ sở y tế quận huyện để người dân thêm tin tưởng vào sự chăm sóc y tế tốt hơn nhiều ở cơ sở y tế gần nhà nhất, giảm áp lực công việc cho bệnh viện tuyến trên.

Cuộc gọi quý báu từ bệnh viện dã chiến Cuộc gọi quý báu từ bệnh viện dã chiến

TTO - Một tháng nay cả nhà cháu tôi ở quận 11, TP.HCM sống trong nỗi lo lắng và sợ hãi chưa từng có. Gia đình có năm người gồm mẹ, dì, hai vợ chồng cháu và con gái 2 tuổi đều bị nhiễm COVID-19.

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/am-ap-voi-nhung-doi-thay-cua-benh-vien-a9766.html