Nhóm offline mèo ngoại của các bạn trẻ được tổ chức tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hình chụp lúc chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: NVCC
Từ khi tôi chăm bé mèo cũng cảm thấy thương yêu trẻ em hơn dù mình chưa có con. Cả hai tuy khác nhau nhưng lại giống nhau về sự hồn nhiên, tinh nghịch rất đáng yêu.
Chị HOÀNG THẢO (đang nuôi mèo kiểng ở quận Bình Tân, TP.HCM)
Nhiều bạn trẻ tâm sự dịch ảm đạm, những chú mèo đáng yêu này cũng góp phần... xoa dịu tâm hồn chủ nhân. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ còn nói khi nuôi "bé mèo" sẽ thấy thương mến trẻ em hơn vì đều giống nhau ở sự hồn nhiên, tinh nghịch đáng yêu.
Lần đầu làm "bố"
Tiểu Leo là tên chú mèo Anh lông ngắn đã bầu bạn với anh Thái Việt (quê Thái Bình) được một năm rưỡi. Vào tháng 4-2020, bạn anh Việt đi du học và để lại một chú mèo ngoại làm quà tặng cho anh. Lúc ấy, Tiểu Leo được hơn 2 tháng tuổi.
"Hồi còn nhỏ tôi cũng có nuôi mèo, nhưng hơn 10 năm ở Sài Gòn thì chưa từng. Bởi vậy cũng khá lúng túng khi có thêm một thành viên... lông lá trong nhà. Tôi coi đó như một duyên phận nên bắt tay vào chăm sóc bé mèo như một thành viên" - anh Việt tếu táo nhớ lại.
Khi mới nhận nuôi, chú mèo do còn quá nhỏ khiến chủ nhân lúng túng khi chăm sóc. Anh Việt ví mình khi đó hệt như người lần đầu làm bố, phải học một "núi" thông tin về cách chăm bé mèo.
"Nuôi bé mèo rồi mới thấy có sự khác nhau khá xa giữa mèo ta và mèo tây. Mèo ta sức sống cao và có nhiều bản năng tự nhiên, còn mèo tây còn bé bệnh vặt khá nhiều nên chăm cực dữ lắm, khi lớn mới đỡ hơn.
Lúc nhỏ Tiểu Leo thường bị tiêu chảy, khá vất vả tìm kiếm loại hạt phù hợp và đồ ăn phụ trợ cho bé. Tôi phải học cách làm patê để bé ăn cho đủ chất dinh dưỡng, đưa đi tiêm dại, tiêm vắc xin. Vệ sinh lỗ tai bằng các dung dịch chuyên dụng, chải lông, cắt móng. Tìm nơi mua cát đi vệ sinh cho bé, khử mùi" - anh Việt cười kể.
Cưng chiều "em bé" hết cỡ, anh còn dành thời gian làm đồ chơi cho Tiểu Leo. Chàng trai làm công việc freelance cho biết anh khá tốn kém để chú mèo có cuộc sống vui khỏe.
"Ngoài đầu tư cơ bản ban đầu ra thì tiền ăn và tiền mua cát vệ sinh của bé mèo nhà mình khoảng 500.000 đồng/tháng, chưa kể những thứ lặt vặt khác" - anh kể.
Tết Tân Sửu 2021, anh Việt bay về quê Thái Bình ăn Tết và đưa Tiểu Leo theo cùng. Trước ngày khởi hành 20 ngày, anh mua được tấm vé giá 550.000 đồng cho mèo, sau đó mua lồng vận chuyển và xin giấy kiểm dịch vận chuyển động vật.
Ngày ra sân bay, chú mèo được chăm bẵm, dán tem live animal (động vật sống) rồi đưa đi đường riêng "sướng như thương gia", còn chủ nhân thì xếp hàng dài cổ.
Hiện anh Việt vẫn đang ở quê cùng mèo cưng của mình. Tiểu Leo nay cũng đã lớn, đeo chủ không rời.
"Lúc tôi làm việc thì nó ngủ, tôi ngủ thì nó quậy" - anh cười và cho biết chú mèo màu tro, tai ngắn này khiến anh có nhiều niềm vui giản đơn trong đợt dịch bằng các biểu hiện như thích bám người, thông minh khi dạy bắt tay, ra ám hiệu.
Chàng trai 33 tuổi tâm sự anh hay đùa với bạn mình là muốn lập gia đình thì hãy nuôi thử một em mèo, chăm như con vậy. Với anh Việt, nuôi mèo cũng là một cách giúp anh thư thái khi chơi với chúng và ngắm nhìn chúng bình yên lớn lên.
Mèo được sắm đủ quần áo - Ảnh: D.QUÍ
Xoa dịu tâm hồn trong mùa dịch
Bồng chú mèo tên Méo ngắm hoàng hôn ở bancông chung cư, chị Đặng Như Thảo Vy (quận 1, TP.HCM) cho biết bé mèo được người bạn tặng là giống mèo Anh lông ngắn, màu xám, tai cụp, Theo chị, giá thị trường của giống mèo này khoảng 10 triệu đồng hoặc hơn.
"Thật ra tôi là một người thích nuôi chó, nhưng lại duyên phận với mèo. Từ khi sống một mình và được bạn tặng mèo thì thấy thương bé lắm, đi làm là nhớ da diết. Tôi thấy nó khá giống với tính cách của mình, có thể đó là tính cách của những người cung hoàng đạo Cự Giải chăng?" - chị cười nói.
Vốn kỹ tính, chị Vy tham khảo nhiều ý kiến từ những người nuôi thú cưng và Internet, tìm tòi học hỏi làm sao để mèo có sức khỏe thật tốt. Đợt dịch vừa rồi, làm việc tại nhà, chị nấu nhiều món cho Méo. Sợ "con" bệnh đường ruột, chị siêng nấu patê, xúp cho "bé" ăn.
"Phải lăn vô bếp là xuất phát từ tình thương với bé Méo, bởi trước đây tôi ít khi nấu nướng cho bản thân" - chị Vy cho biết đã mua thêm các loại hạt, thực phẩm chức năng hỗ trợ đường ruột, bổ tim, sáng mắt, mượt lông và nhiều phụ kiện, quần áo cho Méo.
"Méo là bé gái nên tôi hay mua đầm, vòng cổ. Rồi còn thêm nhà vệ sinh riêng cho mèo, khay ăn, ti tỉ món đồ chơi khác nữa" - cô gái 28 tuổi tâm sự.
Chị Vy chia sẻ từ lúc đón thành viên mới này, chị tập được tính kiên trì, biết lắng nghe hơn.
"Sự thay đổi rõ nhất khi có Méo bên cạnh là tâm trạng tôi luôn thoải mái, vui vẻ, bớt cộc tính hơn ngày trước. Mùa dịch nhiều khi buồn vì không được đi chơi, hay là công việc đôi lúc chưa tốt, thì có Méo làm đủ trò khiến mình quên hết bực dọc" - chị cười nói.
Nguyên Thảo (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết cô cũng mới "tậu" chú mèo chân ngắn hồi tháng 6-2021.
"Tôi sống ở chung cư một mình, thời điểm đó tôi bắt đầu làm việc tại nhà nên mua một chú mèo về bầu bạn. Tôi thấy chăm cũng không cực lắm, nó giúp mình cảm thấy bình yên, nhà cửa ấm cúng hơn" - Thảo nói và cho biết Tết này cô sẽ cùng người bạn mình đưa chú mèo về quê Long An ăn Tết bằng xe máy, "chứ gửi lại các tiệm spa ở thành phố mình sẽ không chịu nổi vì nhớ lắm".
Hầu hết không thuần chủng
Các giống mèo ngoại quốc được ưa chuộng ở Việt Nam hiện nay như mèo Anh lông ngắn, Anh lông dài, Ba Tư, Bengal, Exotic...
Nói về việc nuôi mèo ngoại ở VN hiện nay, anh Nguyễn Văn Lợi - chi hội phó Chi hội Mèo cảnh Sài Gòn - cho biết đây là xu hướng tất yếu khi xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người trong việc đối xử với động vật đã thay đổi đáng kể.
Và đặc biệt xu hướng này càng nở rộ trong đợt dịch khi thú cưng này có thể bầu bạn, giúp chủ nhân trẻ, chưa lập gia đình được "an ủi tâm hồn" khi phải thường xuyên ở nhà, công việc bị ảnh hưởng.
Theo anh Lợi, mèo tây được nuôi ở Việt Nam đa số không thuần chủng. Anh ví dụ một con mèo giống tốt, hiếm nhưng giá rất cao, lên đến hàng trăm triệu đồng thì không phải ai cũng đủ điều kiện mua. Do đó nhiều trại mèo phải nhân giống để sinh ra các đời lai như F1, F2...
"Người nuôi thường sẽ chọn thú cưng có ngoại hình đẹp, tính cách tốt, phù hợp túi tiền, chứ ít ai quan tâm chuyện nó có thuần chủng hay không. Tuy nhiên, vẫn có người dư dả nhiều, có thể chi trăm triệu mua một con mèo thuần chủng từ nước ngoài về, nhưng tỉ lệ này rất ít" - anh Lợi nói.
Anh Nguyễn Văn Lợi và chú mèo Anh lông ngắn tại cửa hàng thú cưng của mình - Ảnh: NVCC
Tham gia hoạt động nhân giống mèo ngoại từ năm 2017, anh Lợi hiện đang sở hữu một trang trại nhân giống mèo Anh lông ngắn ở Tây Ninh và cửa hàng bán mèo làm thú cưng tại phường Bình An (TP Thủ Đức).
Anh cho biết giá bán cho người mua với mục đích mua về nhân giống rồi kinh doanh thì giá từ 25 - 50 triệu đồng/con, tùy ngoại hình và độ hiếm. "Nhưng cũng có con mèo lúc chọn không đúng dòng, tạo ra cá thể không như ý thì giá rẻ hơn".
Còn người mua về làm thú cưng có giá từ 6 - 10 triệu đồng/con và mèo đủ 3 tháng tuổi thì mới giao cho khách.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/nhieu-ban-tre-sam-meo-tay-ca-chuc-trieu-dong-thay-nuoi-cho-ngoai-tai-sao-a9817.html