Omicron ít gây tổn thương phổi?

TTO - Một loạt nghiên cứu mới trên động vật và trên mô người đã giúp giải thích lý do vì sao biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể khác đã biết của SARS-CoV-2.

Omicron ít gây tổn thương phổi? - Ảnh 1.

Người dân tụ tập trước lễ đón giao thừa tại quảng trường Thời Đại ở thành phố New York (Mỹ) vào ngày 31-12-2021 - Ảnh: AFP

Theo báo New York Times hôm 31-12-2021, loạt nghiên cứu mới tiến hành trên chuột cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn, thường ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp trên là mũi, họng và khí quản. Biến thể này ít gây tổn thương cho phổi hơn so với các biến thể khác.

Nồng độ trong phổi chỉ bằng 1/10

Hôm 29-12, một nhóm các nhà khoa học Nhật và Mỹ công bố báo cáo khoa học về chuột đã nhiễm Omicron hoặc một trong các biến thể đã biết. Nghiên cứu cho thấy những con chuột nhiễm Omicron bị tổn thương phổi ít hơn, ít sút cân hơn và có nguy cơ tử vong thấp hơn.

Nhóm khoa học đặc biệt ấn tượng với kết quả ở chuột đồng Syria, vốn là loài có triệu chứng nặng khi mắc tất cả các biến thể đã biết trước đó. Song khi mắc Omicron, chúng đều chỉ bị nhẹ.

"Điều này thật đáng ngạc nhiên vì mọi biến thể khác đều ảnh hưởng mạnh đến chuột đồng Syria" - TS Michael Diamond, chuyên gia virus tại ĐH Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét. Một số nghiên cứu khác trên chuột cũng đưa ra kết luận tương tự.

Thông qua giải phẫu, dường như nhóm nghiên cứu đã tìm được lý do vì sao Omicron gây bệnh nhẹ hơn. TS Diamond và các đồng nghiệp của ông phát hiện tải lượng Omicron trong mũi của chuột hamster cũng giống ở các động vật nhiễm các biến thể khác. Nhưng nồng độ Omicron trong phổi chỉ bằng 1/10 hoặc thấp hơn so với các biến thể đã biết.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Hong Kong cũng có phát hiện tương tự khi họ nghiên cứu các mẫu mô lấy từ đường thở của người. Trong 12 mẫu phổi, họ nhận thấy Omicron phát triển chậm hơn Delta và các biến thể khác. Bên trong tế bào phế quản, trong hai ngày đầu tiên sau khi nhiễm, Omicron phát triển nhanh hơn Delta và các biến thể đã biết.

Trong một nghiên cứu khác, TS Ravindra Gupta - chuyên gia về virus tại ĐH Cambridge - giải thích tại sao Omicron hoạt động kém ở phổi. 

Theo đó, nhiều tế bào phổi mang một loại protein gọi là TMPRSS2 trên bề mặt, có thể vô tình giúp virus xâm nhập vào tế bào. Song nhóm nghiên cứu của ông Gupta phát hiện protein này liên kết không tốt với Omicron. Kết quả là Omicron lây nhiễm tế bào kém hơn Delta. Nhóm nghiên cứu tại ĐH Glasgow cũng có kết luận tương tự.

TS Gupta cho rằng biến thể Omicron phát triển mạnh ở đường hô hấp trên, tại mũi và họng. Nếu điều này chính xác, có thể virus sẽ phát tán dễ hơn ra môi trường xung quanh và lây cho vật chủ mới.

Những điều mơ hồ cần làm rõ

Hồi tháng 11-2021, khi báo cáo đầu tiên về Omicron được Nam Phi công bố, biến thể này có khoảng 50 đột biến, trong đó 32 đột biến ở protein gai.

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra một số đột biến trong đó giúp virus bám chặt hơn vào tế bào. Một số đột biến cho phép virus trốn tránh kháng thể. Nhưng biến thể mới hoạt động ra sao bên trong cơ thể thì tới nay vẫn là bí ẩn. "Bạn không thể dự đoán hành vi của virus chỉ từ những đột biến này" - TS Gupta cho biết.

Trong tháng qua, hơn 10 nhóm nghiên cứu, trong đó có nhóm của TS Gupta, đã quan sát biến thể Omicron trong phòng thí nghiệm. Họ để Omicron lây nhiễm các tế bào trên đĩa petri và phun virus vào mũi động vật.

Trong cùng khoảng thời gian đó, Omicron lan rộng khắp thế giới. Nhưng khi số ca nhiễm Omicron tăng vọt, số ca nhập viện chỉ tăng khiêm tốn. Các nghiên cứu ban đầu trên bệnh nhân cho thấy Omicron ít gây bệnh nặng hơn các biến thể khác, đặc biệt ở người đã tiêm phòng. Tuy nhiên, những phát hiện này thường đi kèm với nhiều lưu ý.

Thứ nhất, phần lớn ca nhiễm Omicron ban đầu là người trẻ, vốn ít có nguy cơ chuyển nặng khi mắc bất cứ biến thể nào. Thứ hai, nhiều ca nhiễm là người đã tiêm vắc xin hoặc từng mắc COVID-19 trước đó. Tuy nhiên, chưa rõ Omicron có ít nghiêm trọng với người lớn tuổi và chưa tiêm vắc xin hay không.

Do đó, các thí nghiệm mới trên động vật có thể làm sáng tỏ những điều này, vì giới khoa học có thể theo dõi Omicron trên những động vật giống nhau và sống trong điều kiện tương tự.

Ít nhất 6 thí nghiệm công bố trong những ngày gần đây có cùng kết quả: Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta và các biến thể khác. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là phần lớn các nghiên cứu về Omicron cho tới nay đều chưa được công bố trên các tạp chí khoa học, chủ yếu xuất bản online. Do đó, vẫn cần phải chờ thêm những nghiên cứu đáng tin cậy hơn.

Dữ liệu thực tế ra sao?

Theo trang Business Insider, hiện nay dữ liệu trên thực tế cho thấy dường như biến thể Omicron dẫn đến tỉ lệ nhập viện thấp hơn so với Delta tại Nam Phi, Anh và Mỹ.

Theo nghiên cứu được Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) công bố ngày 31-12-2021, nguy cơ nhập viện với người nhiễm Omicron bằng khoảng 1/3 so với người mắc Delta.

Nghiên cứu này đã phân tích hơn 528.000 ca nhiễm Omicron và 573.000 ca nhiễm Delta ở Anh từ ngày 22-11 đến 26-12-2021. Nghiên cứu cũng chỉ ra vắc xin COVID-19 vẫn hiệu quả với Omicron.

Sau khi có ca nhiễm Omicron, TP.HCM ban hành khẩn quy trình cách ly người nhập cảnh Sau khi có ca nhiễm Omicron, TP.HCM ban hành khẩn quy trình cách ly người nhập cảnh

TTO - UBND TP.HCM vừa ban hành quy trình 5 bước để giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh sau khi Việt Nam ghi nhận một số trường hợp dương tính với biến chủng Omicron.

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/omicron-it-gay-ton-thuong-phoi-a9852.html