Người đi tìm hồn tranh kính Việt

TP - Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, còn khá trẻ tuổi so với cái nghề sưu tầm nghiên cứu. Cô nói: “Ngoài nghiên cứu sưu tầm ra, hình như em cũng chẳng có thú vui nào khác”.

Huỳnh Thanh Bình là con gái của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tên tuổi Huỳnh Ngọc Trảng. Tôi quen biết anh Huỳnh Ngọc Trảng nhiều năm nhưng ít khi trò chuyện cùng Huỳnh Thanh Bình, một phần là cô còn khá trẻ và đang có những hoài bão riêng.

Hai cha con đi khắp đồng bằng sông Cửu Long. Nơi nào có di tích, nơi nào có đình đền chùa, đều ghé vào. Tiền túi tự bỏ ra nên ăn ở kham khổ, chỗ nào rẻ nhất thì ở, món gì đơn giản nhất thì ăn. “Thế mà con tôi không nản chí. Tôi thấy thế, đoán là con tôi cũng có cái máu nghiên cứu như tôi.

Huỳnh Thanh Bình kể: “Hai cha con chúng tôi đi sưu tầm tranh kính cũ, về tự mày mò đóng khung, cái treo, cái cất. Tính cha tôi tiết kiệm lắm, chẳng thuê mượn gì ai. Nhiều lần kính cắt phải tay, máu chảy mà vẫn cắn răng băng bó rồi làm tiếp”.

Anh Huỳnh Ngọc Trảng tâm sự: “Một lần hai cha con chở nhau bằng xe máy đi sưu tầm nghiên cứu tranh kính. Giữa đường bị xe tông, cả hai cha con văng xuống đường. Từ lần đó, sức khỏe tôi yếu, không thể đi xe máy được nữa. Từ bữa ấy về sau, con tôi một mình tiếp tục con đường nghiên cứu của nó, tôi không thể đi theo cùng được nữa”.

Khai phá

Tôi thật sự biết đến các nghiên cứu của Huỳnh Thanh Bình độ chục năm về trước, khi cô mới hơn 20 tuổi. Một trong những sự kiện thu hút báo chí đầu tiên của cô là Triển lãm tranh kính (người miền Nam gọi là tranh kiếng) tại chùa Xá Lợi, TPHCM. Một triển lãm về chủ đề tranh cổ mà có tới mấy trăm người tới chùa xem, là sự kiện khá đặc biệt.

Sư Thích Đồng Bổn (Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam) nhận xét: “Tranh kính là nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Nội dung ngoài miêu tả sinh hoạt dân gian, chủ yếu liên quan đến đời sống tâm linh”.

Huỳnh Thanh Bình rất tâm đắc với lần “ra mắt” những sản phẩm nghiên cứu sưu tầm đầu tiên. Cô nói: “Tranh kính là một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Miền Bắc có làng nghề tranh kính ở Bắc Ninh, Hà Đông, Hà Nội. Tranh kính miền Trung, nhất là Huế, rất phong phú. Tranh kính miền Nam nổi tiếng với dòng tranh Lái Thiêu”. Sau triển lãm đầu tay, Huỳnh Thanh Bình đã in cuốn sách Tranh kính Nam Bộ. (Nxb Phương Đông, 2013).

Một chuyện bên lề, thú vị đó là một số người sưu tầm tranh kính nói với tôi: “Sau triển lãm và cuốn sách của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, giá tranh kính tăng vọt, nhiều người đã biết tới giá trị của tranh kính, nên họ hét giá rất cao. Chẳng hạn bức tranh kính trước chỉ vài ba trăm nghìn, giờ mua mấy triệu người ta cũng không bán!”.

Tranh kính, theo cách gọi dân gian, đó chính là các bức tranh được vẽ trên kính. Vào thời Nguyễn, vua chúa thường sử dụng tranh kính (còn gọi là tranh gương) trang trí trong cung điện và lăng tẩm. Ngày nay, tới Huế tham quan, người ta vẫn có thể thưởng ngoạn những tác phẩm ấy.

Tưởng nhớ tổ tiên

Theo Huỳnh Thanh Bình: “Đề tài nổi bật của tranh kính là đề tài tôn giáo. Có rất nhiều bức tranh quý vẽ về các Đức Phật, sự tích điển tích Phật Giáo. Ngày nay, chùa Khmer vẫn rất ưa chuộng tranh kính vẽ các chủ đề về Đức Phật. Bên cạnh đó, tranh kính còn thu hút mọi người với mảng đề tài tranh thờ gia tiên”.

Người đi tìm hồn tranh kính Việt ảnh 1

Tranh kính chủ đề về tổ tiên, quê hương và tôn giáo

Nhà nghiên cứu cho chúng tôi xem nhiều bức tranh thờ gia tiên mà cô sưu tầm được, đó là những bức tranh vẽ cảnh sông núi theo câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Tranh thờ tổ tiên lấy cảm hứng từ thiên nhiên còn có tranh Mai, Lan, Cúc, Trúc, hay Tre tàn măng mọc. “Hồi chưa có ảnh, cũng có khi người ta thuê thợ làm tranh kính vẽ chân dung để thờ”.

“Thế hệ sau tiếp nối, vẫn phải nhớ đến tổ tiên, giá trị giáo dục của tranh kính là như vậy” - Huỳnh Thanh Bình nói. Cô thường xúc động khi bước vào những ngôi nhà xưa, nơi mà trên các ban thờ vẫn còn có những bức tranh kính được vẽ để tưởng nhớ đến công ơn của thế hệ.

Một mảng tranh kính ít người biết tới đó là tranh đám cưới gọi nôm na là tranh treo cửa buồng, tranh mừng đám cưới. Thường những bức tranh kính này vẽ sự tích “Thoại Thanh, Châu Tuấn”. Lễ cưới thường vẽ hai vợ chồng trong một hình trái tim.

Để nghiên cứu về tranh kính, Huỳnh Thanh Bình đã dày công sưu tầm, mua và lưu giữ tới 1.200 bức tranh kính. Cô nói: “Nhiều bữa không còn cắc nào, ba mẹ tài trợ cho mua”. Tranh cũ dễ vỡ, nên mua về phải sơn bóng, làm khung bảo quản. “Nhà như một công trường!” - Mẹ của cô thường nói như vậy.

Tranh kính vốn phổ biến trong cộng đồng người Việt, người Khmer, người Hoa. Ngày nay, nhiều nghệ nhân ở An Giang vẫn vẽ tranh kính bán đi các nơi, thậm chí bán ra cả nước ngoài.

“Để tìm hiểu về chất liệu, cách vẽ, nội dung các bức tranh, tôi phải đi tìm từng nghệ nhân, họ ở rải rác khắp các tỉnh. Rồi cố gắng đi tìm được những phác thảo, các bản vẽ gốc. So sánh đối chiếu tranh xưa và nay. Có lẽ điều mừng nhất là nhiều nơi vẫn còn giữ được phong tục thờ tranh kính tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Cứ vào dịp cuối năm Tết đến thì tranh kính tại vùng Nam bộ bán rất chạy”.

Say vẻ đẹp thời gian

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình nói: “Cứ dịp Tết lại có những chiếc ghe chở đầy tranh kính đi bán. Ở Đồng bằng sông Cửu Long người ta hâm mộ tranh kính. Những người theo đạo Cao Đài, đạo Phật thích tranh kính đã đành mà người bình thường cũng muốn có tranh kính treo ngày Tết”.

“Mỗi dòng tranh kiếng với những đặc trưng riêng đã hình thành nên một tập đại thành mỹ thuật đồ sộ mang sắc thái riêng của mỗi cộng đồng dân cư, dân tộc góp phần làm phong phú cho bảng màu đa dạng của văn hóa Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình

Người đi tìm hồn tranh kính Việt ảnh 2

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình với bộ sưu tập tranh kính. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Huỳnh Thanh Bình vui vẻ tiết lộ: “Tranh xưa và tranh ngày nay khác nhau rất nhiều. Tranh xưa vẽ bằng bột màu thảo mộc và vẽ không có hình khối”. Càng nghiên cứu tranh kính càng đam mê. Vì mỗi dòng tranh có những nét riêng, độc đáo, hấp dẫn không giống những dòng tranh kính khác”.

Lái Thiêu nổi bật với dòng tranh kính thờ tổ tiên. Sắc màu phản quang, cẩn ốc xà cừ. Bộ tranh thờ tổ tiên vẽ cây đại thụ sum suê, biểu ý “cây có cội, nước có nguồn”...

Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/nguoi-di-tim-hon-tranh-kinh-viet-a9877.html