Nhân viên ban quản lý chợ Đông Ba đi chợ hộ cho khách hàng qua app Chợ Đông Ba - Ảnh: Ban quản lý chợ Đông Ba
Đây là ngôi chợ sử dụng ứng dụng thương mại điện tử đầu tiên ở xứ Huế.
Ngồi ở nhà vẫn đi chợ Đông Ba
8h sáng, điện thoại của anh Nguyễn Văn Thắng (ban quản lý chợ Đông Ba) nhận được thông báo đi chợ hộ cho một khách hàng ở trung tâm TP Huế qua app Chợ Đông Ba trên điện thoại. Đơn hàng là một hộp khẩu trang y tế N95. Nhận đơn của khách, anh Thắng mặc vội áo mưa, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn rồi đi mua cho khách.
Xong, anh lấy xe máy chạy đến địa chỉ của khách hiển thị trên app để giao hàng. Thế nhưng do vội vàng, anh mua nhầm loại khẩu trang khác với hãng mà khách yêu cầu. Lập tức anh báo lại trên hệ thống app Chợ Đông Ba, đơn hàng nhanh chóng được đổi trả và giao đúng lại với yêu cầu của khách.
"Công nhận mua hàng qua app này tiện lợi thật. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ ngồi ở nhà mà có thể đi chợ Đông Ba được như thế này", vị khách nói.
Từ ngày app thương mại điện tử Chợ Đông Ba đi vào hoạt động, gần như mọi mặt hàng thiết yếu có mặt ở chợ đều được đưa lên đây với giá cả phải chăng, niêm yết rõ ràng. Từ gạo, cá, thịt, rau củ quả cho đến mứt, kẹo...
Bà Nguyễn Thị Mai (phường Phước Vĩnh, TP Huế) nói rằng đi chợ qua app như vậy đỡ phải trả giá như khi đi chợ thông thường. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như ở Huế, việc ở nhà đặt món rồi có người đi chợ, đem đến tận nhà như lúc này là vô cùng tiện lợi.
Đảm bảo chất lượng hàng trước khi lên app
Những mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, gia vị, rau củ... đều có trên app Chợ Đông Ba
Anh Thắng cho biết việc đi chợ hộ ở chợ Đông Ba đã diễn ra từ tháng 8-2021 trên nền tảng thương mại điện tử Grab. Tuy nhiên đến nay chợ Đông Ba mới có app thương mại điện tử của riêng mình đi vào hoạt động. Từ ngày app đi vào hoạt động, mỗi ngày anh cùng đồng nghiệp ở ban quản lý chợ nhận hơn chục đơn hàng đi chợ hộ như vậy.
"Để đảm bảo chất lượng nguồn hàng trước khi đưa lên app để bà con chọn lựa, chúng tôi đã chọn lựa và ký hợp đồng với các tiểu thương ở chợ để cam kết chất lượng cũng như giá cả đúng với niêm yết. Điều này giúp bà con an tâm với sản phẩm đầu ra, cũng như giúp các tiểu thương ở chợ có thể bán hàng trong trường hợp khu vực chợ bị phong tỏa do dịch COVID-19", anh Thắng nói.
Bà Hoàng Thị Như Thanh, trưởng ban quản lý chợ Đông Ba, cho biết hiện nay app Chợ Đông Ba mới đưa vào sử dụng nên còn nhiều điều cần được điều chỉnh. Ban quản lý chợ sẽ vừa làm, vừa điều chỉnh để app hoàn thiện nhất, đặc biệt là lợi ích của khách hàng sẽ được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo bà Thanh, tương lai ban quản lý chợ sẽ xây dựng app Chợ Đông Ba trở thành một app thương mại buôn bán các mặt hàng đặc sản chất lượng của Huế không chỉ phục vụ khách trong tỉnh mà còn ở cả nước, tránh tình trạng du khách mua phải hàng đắt nhưng kém chất lượng.
"Đây cũng là một cách chúng tôi bảo vệ thương hiệu của ngôi chợ truyền thống hơn 123 tuổi nổi tiếng của xứ Huế", bà Thanh chia sẻ.
Ông Phan Thiên Định, bí thư Thành ủy TP Huế, cho biết sắp tới thành phố sẽ hỗ trợ ban quản lý chợ Đông Ba phát triển về công nghệ, quảng bá ứng dụng Chợ Đông Ba đến rộng rãi với mọi người dân.
"Thành phố cũng đang xem xét để đưa app Chợ Đông Ba vào trong phần mềm Hue-S để mọi người dân ở Huế có thể thuận lợi trong việc đi chợ trực tuyến hơn", ông Định nói.
Tiểu thương mong được xem xét về... giá
Được vận động cài app Chợ Đông Ba để tiện đưa sản phẩm của mình lên mạng, nhiều tiểu thương bày tỏ mong muốn được bán trực tiếp hơn là qua app. Lý do, theo bà T.H. (một tiểu thương buôn bán mứt, bánh kẹo...), việc niêm yết giá gốc của các mặt hàng lên app như vậy được lợi cho khách hàng nhưng sẽ gây khó khăn cho tiểu thương.
"Chúng tôi còn phải đóng nhiều loại thuế, phí khác như thuế môn bài, phí mặt bằng... Chưa kể mỗi đợt hàng nhập về còn hao hụt, vận chuyển nên nếu bán với giá sát giá gốc như vậy thì khó mà lời lãi lắm", bà H. nói.
Link nội dung: https://doanhnhanduongthoi.com.vn/cho-123-nam-tuoi-o-hue-mo-app-cho-dan-di-cho-online-a9997.html