8 thứ cần chuẩn bị trước khi sang Mỹ du học

Hoàng Thu Trang - 1 du học sinh Mỹ nay đã hoàn tất việc học và đang làm việc tại Amazon (Mỹ) - chia sẻ.

Hoàng Thu Trang - 1 du học sinh Mỹ nay đã hoàn tất việc học và đang làm việc tại Amazon (Mỹ) - chia sẻ.

Những thứ cần chuẩn bị

Xem bóng rổ và bóng bầu dục Mỹ: Bạn muốn thực sự hòa nhập với văn hóa Mỹ thì 'conversation about' thể thao bao giờ cũng đứng đầu 'chuỗi thức ăn.' Cho nên xem cho thích thì thôi.

Bệnh lớn nhất của tất cả mọi người trên thế giới là 'tò mò': Các bạn Mỹ cũng rất 'tò mò' biết về những văn hóa kì lạ ở những vùng đất mới.

'Cải táng' ở Việt Nam chẳng hạn cũng là 1 trong những thứ không chỉ cần biết, nên biết mà phải biết để còn có chuyện để nói.

Thêm vào đó, dân Việt Nam mình luôn bị chê là mù văn hóa nước nhà thành ra nói chuyện không có interesting.

Cho nên dù là con người cấp tiến, học và biết những truyền thống văn hóa của Việt Nam (cả nét đẹp và nét xấu) sẽ tạo cho bạn 'bản sắc' riêng, nhất là trên đất khách. Bạn có thể Mỹ hóa phong cách làm việc, đừng Mỹ hóa 'bản sắc'.

8 thứ cần chuẩn bị trước khi sang Mỹ du học

Học thật nhiều về văn hóa Việt Nam, những câu chuyện có thể kể:

Học nấu ăn, làm việc nhà: Nào cái này, các bạn giai cũng nên học nhé. Lý do này, thi thoảng còn mời bạn sang nhà (các bạn Mỹ + quốc tế), ăn uống giao lưu.

Sau này có nhờ giúp sang khuân đồ, chuyển nhà, hoặc hỗ trợ gì, sẽ không bị gượng. Ngoài ra, nấu ăn ngon, sẽ cảm giác bớt nhớ nhà. Nấu ăn hàng ngày sẽ cảm thấy cuộc sống đàng hoàng hơn. Như thế sẽ tự tin hơn xách mông đến lớp.

Về dọn nhà , rửa bát, có bạn kêu học bận quá không có thời gian dọn, kỳ thực mình thấy cái này là do các bạn không quản lý được thời gian. Tuần 1 lần lau nhà, 7 lần rửa bát, không có gì không dọn được cả.

Hơn nữa việc bố trí 1 tuần kín lịch sẽ có hiệu quả như sau: Bạn chậm 1 việc thì chậm tất cả mọi việc nên túm lại tự nhiên bạn sẽ học được cách quản lý thời gian hợp lý.

Học cầm búa đóng đinh, cầm tuốc nơ vít vặn ốc: Đến lượt các gái đây. Có người nói với tớ, sang đây đến 1 kỳ mới có đệm nằm. Nói thật với các bạn, cuộc sống khổ sở, không đàng hoàng thì học hành cũng không tốt lại càng không tự tin nói chuyện với các bạn ở trường.

Nếu biết tự đóng tự sửa thì thực ra full house với Mỹ cũng rẻ. Đệm mua hết 120 USD (2,6 triệu đồng), chăn ga gối đệm đồ mềm mất 50 USD (1,1 triệu đồng), bàn ghế giường tủ thì đi xin dần hoặc đi nhặt rác đóng lại.

Túm lại muốn full house trong vòng 2 tuần đầu có thể collect được hết đồ, mất max là 350 USD (7,7 triệu đồng). Mua đồ thiết yếu kiểu giấy vệ sinh, thùng rác, đồ giặt chắc hết 150 USD (3,3 triệu đồng) nữa là hết cỡ.

Có một căn nhà tử tế rồi, tinh thần học hành sẽ lên cao. Ngoài ra có thể mời bạn bè về ăn uống, networking luôn. Nhất cử lưỡng tiện.

Học cách quản lý chi tiêu và thời gian: Nếu tự nấu ăn nấu uống, tiêu khéo thì 1 đứa ăn như trâu như tớ một tuần hết khoảng 20 - 30 USD (khoảng 440.000-660.000 đồng). Tiền điện thoại 1 tháng hết 44 USD (khoảng 880.000 đồng, cả thuế).

Thêm tiền networking chắc cao nhất 150 USD (kiểu cuối tuần đi ăn hàng với bạn, đi uống bia.) Ngoài ra thì chả tiêu cái gì hơn nhưng nhiều bạn kêu thiếu lắm á.

Nếu bạn đi chợ mà cứ mua đồ chế biến sẵn nhiều thì tiện ăn nhưng lại đắt hơn. Nếu quản lý được thời gian phân bổ để có thời gian dành cho nấu nướng thì rẻ hơn rất nhiều.

Học có cái mặt dày: Làm ơn đi, sang đây thì mình giống nhà quê lên tỉnh ngơ ngơ. Tốt nhất là cái gì cũng hỏi, động cái hỏi, mấy bé Mỹ nhiệt tình lắm, trả lời hết.

Đặc biệt, những cái liên quan đến sarcasm (mỉa mai - PV) của bọn Mỹ kiểu gì mình cũng cười chậm hơn bọn nó 1 tiếng. Nên đợi chúng nó cười xong thì vác mặt dày hỏi 'chúng mày cười gì?'.

Đừng có ngượng mà trốn ở nhà không nói chuyện với chúng nó. Thế là xong đấy. Sống Mỹ mà cứ co rúm lại.

Học cách học giỏi bớt đi: Học ít thôi. Ờ thì nhiều bạn học giỏi 4.00 GPA, hoành tráng. Các bạn giành khoảng 20 giờ học mỗi ngày, mình dành khoảng 12 giờ thôi.

Còn lại mình phải nấu nướng, dọn dẹp, phải đi thể dục, phải đi uống bia với bạn bè và quan trọng là tìm các khóa thực tập sinh. Nhưng nhìn đi nhìn lại điểm mình vẫn 3.7 - 3.8, không có tệ.

Quan trọng của việc học là cùng một thời gian nhưng bạn làm được nhiều việc chứ không phải dồn 100% thời gian vào 1 thứ để thứ đó cực tốt, những thứ khác thì '...' không giải quyết vấn đề lắm.

Làm mọi thứ thật hiệu quá, có thời gian biểu rõ ràng, giờ nào việc nấy cho từng tuần mới tăng hiệu quả và sức khỏe lao động.

Một việc nữa các bạn không để ý đó chính là: 'Thực ra việc học là việc mà bạn nắm chắc là bạn làm tốt nhất. Dễ hơn networking, dễ hơn đi uống bia với đội Mỹ.'

Ờ, thực ra thì các bạn hơi 'hèn' nếu chỉ có học, vì các bạn chọn con đường 'comfort zone' (vùng thuận tiện) thay vì 'step out into the world' (bước ra thế giới). Vậy nên ý, nếu đến Mỹ rồi thì 'học vừa vừa thôi'.

Học cách nhìn xa hơn: Bạn học để làm gì? Để được điểm cao? Sao tầm nhìn ngắn vậy. Tôi học để sau này làm ở tập đoàn A, vị trí CEO, lương tầm vài trăm triệu một tháng.

Tôi học để sau này làm nhiều tiền rồi sẽ đi du lịch thế giới. Tôi học để làm Thủ tướng VN trong 20 năm tới. Nhìn xa như vậy, bạn sẽ thấy học không hẳn đã quá quan trọng.

Điểm bạn cao vừa vừa, xây dựng mạng lưới rộng lớn, quan hệ nhiều. Cái việc mình cần vay tiền có người cho vay. Cần giới thiệu có người đứng ra giới thiệu là cái quan trọng hơn.

Đi chơi nhìn tưởng không có mục đích vậy mà có đấy. Chơi cho vui cũng là một mục đích, hơn nữa bây giờ vui sau này biết đâu giúp được nhau cái gì. Con đường bạn đi rất dài, MBA chỉ 2 năm trong cuộc đời 70 - 100 năm của bạn.

Những thứ đồ cần mang theo

Đồ bếp: 5 cái bát (3 bát 2 đĩa sâu lòng), 3 cái đĩa để chén, 1 con dao Thụy Sỹ (cỡ lớn, chef knife), 1 bộ đũa (5 đôi), 1 cái thìa canh, 1 cái thìa con, 1 cái thớt, 1 cái chảo con, 1 cái nồi….đủ cho bản thân tuần đầu tiên. Còn lại mình mua thêm 2 bộ 4 đĩa lớn, 4 đĩa nhỏ, 4 cốc, 4 bát (rẻ lắm có 12 USD (khoảng 265.000 đồng)/bộ thôi.

Phòng ngủ: Mua có mỗi mắc áo thôi. Bàn là, cầu là nhỏ, chăn ga gối đệm mua bên này rẻ hơn nên đừng mang đi. Thường đến sẽ có người giúp mình mua đồ với settle down nên cần chịu khó liên hệ với các bạn bên trường từ trước khi sang.

Phòng tắm: Bàn chải với kem đánh răng, còn lại mua mới hết, nhớ mua thùng rác và túi rác. Mua 1 thùng rác có nắp cho nhà bếp và 1 thùng hở cho nhà vệ sinh. Chổi, cây lau nhà, xô 1, chậu 1, nước cọ vệ sinh, đồ tắm đều không cần phải mang.

Đồ ăn: Thèm thì mang ruốc, không thì mang đồ khô, mỳ miến các kiểu.

Đồ mặc: Đừng mang nhiều quá, vì bên này đồ đẹp nhiều và rẻ nhưng ít nhất phải có 2 bộ vest để còn mặc nhân các dịp đứng đắn. Nhớ mang nhiều tất và đồ trong.

Hoàng Thu Trang (Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh - Quản lý Chuỗi Cung ứng)

Theo Vietnamnet.vn