Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam đã cử 1 kíp phẫu thuật khẩn cấp sang hỗ trợ Bệnh viện Không biên giới MSF - Ảnh: BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 2.3 VIỆT NAM
Trưa 3-1, ngay khi nhận được yêu cầu từ Bệnh viện Không biên giới - MSF, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam đã cử 1 kíp phẫu thuật khẩn cấp sang Bệnh viện MSF hội chẩn.
Bệnh nhân nữ 22 tuổi người Nam Sudan mang thai lần 2, thai 35 tuần có dấu hiệu vỡ ối chuyển dạ kéo dài. Tuy nhiên, đầu bé không lọt, gây suy thai.
Ngay sau khi thăm khám bệnh nhân, thượng úy, bác sĩ sản khoa Tống Vân Anh xác định đây là ca khó, có chỉ định mổ bắt con cấp cứu do suy thai có thể gây mất tim thai.
Bệnh nhân bị gù vẹo cột sống nặng nề do di chứng lao cột sống, gây khó khăn trong khi mổ, cũng như không thể dùng phương pháp gây tê tủy sống. Kíp mổ phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ. Kíp gây mê phải liên tục bóp bóng bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ.
Kíp mổ đã đón bé trai 4kg chào đời. Tuy nhiên, lúc này bé không khóc, vận động yếu, phải bóp bóng trợ thở. Hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì bé khóc được, vận động tốt. Tiếng khóc đầu tiên của em bé làm vỡ òa niềm vui của mọi người trong phòng mổ. Sản phụ sức khỏe tốt.
Sau 2 giờ phẫu thuật, kíp mổ đã đón bé trai 4kg chào đời - Ảnh: BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN SỐ 2.3 VIỆT NAM
Bác sĩ Vân Anh cho biết rất hồi hộp khi thực hiện ca mổ. "Đây là ca mổ sản đầu tiên mà tôi đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính ở Nam Sudan, trong điều kiện dã chiến. Hình ảnh bệnh nhân mới 22 tuổi mà thấp bé, gù vẹo biến dạng cột sống rất đáng thương, là động lực để tôi cùng kíp mổ hạ quyết tâm cứu lấy đứa bé", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - trưởng khoa ngoại, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam - cho biết bệnh viện đang thiếu hụt nhân lực do một số nhân viên nhiễm COVID-19 được cách ly điều trị, trong đó có vị trí chuyên khoa, và 25% quân số đang nghỉ phép.
"Khi nhận được đề nghị hỗ trợ bệnh viện tại địa phương, các y bác sĩ vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đem lại hình ảnh, giá trị tốt đẹp của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế", bác sĩ Nam khẳng định.
Các y bác sĩ của Việt Nam công tác tại Nam Sudan thuộc lực lượng “mũ nồi xanh” tham gia nhiệm vụ quốc tế.