Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị cho trẻ nhiễm COVID-19 - Ảnh: THU HIẾN
Theo các bác sĩ, việc mở khu cách ly cho trẻ em tại tuyến quận, huyện trong TP.HCM đang rất cần thiết, nhằm giảm tải áp lực cho các bệnh viện nhi tuyến cuối như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP, đặc biệt ở thời gian này - khi trẻ đồng loạt trở lại trường.
Hơn 9h, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nhiều trẻ em, người lớn đang được điều trị. Đầu tháng 12, mặc dù với công suất chỉ đạt 180 giường, số ca mắc COVID-19 mà bệnh viện tiếp nhận có lúc lên tới 240 bệnh nhân, trong đó bao gồm cả người lớn.
Bệnh viện này đang điều trị cho 180 trường hợp, trong đó có 90 trẻ và 90 người lớn, có 18 trẻ bị nặng đang nằm khu cấp cứu và 3 trường hợp đang thở máy.
Do số lượng bệnh đông, bệnh viện phải chuẩn bị thêm hàng chục giường xếp tại khoa, áp lực của nhân viên y tế càng thêm nặng nề. Đa số các ca trẻ mắc COVID-19 chuyển nặng đều có bệnh lý nền kèm theo, như đái tháo đường, béo phì, suy thận...
Cha mẹ chủ quan
Chị T.N.T. (32 tuổi, Bình Dương) cho biết sau khi thấy con mình 2 tuổi sốt, co giật, chị liền đưa con đến bệnh viện tại Bình Dương khám. Qua test nhanh, bé có kết quả dương tính, e ngại chuyển nặng nên bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.
"Gia đình không có ai mắc COVID-19, tuy nhiên có đôi lúc gia đình chủ quan lơ là, cho bé chạy nhảy xung quanh khu trong xóm. Gần nhà có người dương tính, nhưng không nghĩ là dễ lây vậy. Giờ chỉ hy vọng con nhanh khỏe", chị T. nói.
Anh V.L. (48 tuổi, quận 12, TP.HCM) có con nhỏ 10 tuổi cho biết bé mắc u não đến nay đã mổ nhiều lần nhưng vẫn chưa khỏi. Trước khi chưa mắc COVID-19, bé rất hoạt bát, chạy nhảy bình thường, sau khi dương tính có sốt, ho, gia đình đã mua thuốc cho uống nhưng không khỏi. Tình trạng chuyển nặng, bé được nhập Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngay khi nhập viện, bé được thở oxy, nhưng không đáp ứng và không còn nhận thức.
"Vợ tôi hay đi chợ búa, không tránh khỏi việc trở thành F0 và đã lây cho cả nhà. Không may bé lại chuyển nặng như vậy", anh L. rưng rưng nước mắt.
Rất nhiều phụ huynh cho biết nguyên nhân khiến trẻ nhập viện là do cha mẹ chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và không nghĩ con mình bị lây nhiễm nhanh, trở nặng đến vậy.
Cần mở thêm các khu cách ly, điều trị cho trẻ
Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết từ đầu tháng 10, số lượng bệnh đã giảm, nhưng 2 tháng trở lại đây số trẻ nhập viện tăng, đỉnh điểm có lúc tiếp nhận tới 240 bệnh nhân. Bệnh viện phải kê thêm ghế cho bệnh nhân, bố trí sẵn ghế để kê thêm điều trị.
Do có đến 50% là người lớn, các bác sĩ tại đây phải phân công chăm sóc luôn cho người lớn, rất cực.
Bác sĩ Việt cho biết thêm, trước đây có các bệnh viện dã chiến nhi như Bệnh viện dã chiến số 4 và 11, tuy nhiên sau khi giải thể số lượng bệnh nhi dồn vào 3 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP dẫn đến quá tải.
"Chỉ khi nào trẻ có triệu chứng, có bệnh lý nền không ổn định thì mới cần nhập viện. Tuy nhiên, ở bệnh này nhiều trẻ bị nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, vẫn phải vào bệnh viện. Việc các bệnh viện quận, huyện mở thêm phòng cách ly cho trẻ thay vì vô bệnh viện, hơn nữa sắp tới trẻ quay trở lại trường số ca tăng là rất cần thiết", bác sĩ Việt nhấn mạnh.
Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên (Bệnh viện Nhi đồng 1), giữa tháng 12 bệnh viện đang điều trị gần 60 trẻ F0 và 60 phụ huynh, đa số trẻ nhập viện có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận..., trong đó có 14% trẻ chuyển nặng. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30 - 50% so với hồi giữa tháng 10. Riêng với các trường hợp trẻ có triệu chứng nặng, mắc bệnh nền sẽ được nhập viện điều trị.
Những ngày đầu tháng 12, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị tầm soát, phát hiện khoảng 5-15 trẻ mắc COVID-19. Hầu hết được cho điều trị tại nhà vì triệu chứng nhẹ.
Hiện đơn vị điều trị COVID-19 đang điều trị khoảng 100 trẻ, nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM ngày 20-12-2021, TP đang điều trị 10.463 bệnh nhân, trong đó có 313 trẻ em dưới 16 tuổi. Hiện TP chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào đối với trẻ dưới 18 tuổi do COVID-19.
Theo Sở Y tế, số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ em tăng cao trong những ngày gần đây, phần lớn nguyên nhân là trẻ bị lây từ người thân trong gia đình.
Kịp thời xử lý những ca dương tính tại trường học
Nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ mắc COVID-19 theo trẻ để chăm sóc - Ảnh: THU HIẾN
Bác sĩ Châu Việt cho biết thêm, những trẻ đã được tiêm vắc xin và đi học lại nếu dương tính bị rất nhẹ, chỉ những trường hợp bệnh nền mới cần nhập viện. Trường học phải chú ý hướng dẫn trẻ tuân thủ nguyên tắc 5K dù bất cứ nơi nào, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách vào giờ nghỉ và ăn trưa - đây là thời điểm trẻ dễ tiếp xúc với nhau.
Bên cạnh đó nhà trường phải kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố nguy cơ hoặc nghi ngờ có triệu chứng nhiễm COVID-19, xử lý đúng quy trình, cách ly, xét nghiệm cần thiết cho trẻ để tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Các bậc phụ huynh phải chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt cho trẻ để tăng sức đề kháng.