BỘ SƯU TẬP ẤM TỬ SA CỦA NỮ TRÀ SƯ VIỆT NAM LẬP KỶ LỤC THẾ GIỚI

Nguyễn Thu Dung

Bằng tình yêu trà mãnh liệt và niềm đam mê sưu tầm ấm chén trà, 30 năm qua, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã sưu tầm và lưu giữ hơn 1.000 bộ ấm chén tử sa, cùng nhiều loại trà quý trên thế giới.

Riêng bộ sưu tập hơn 1.000 ấm tử sa đã được Liên minh Kỷ lục thế giới và Hiệp hội Kỷ lục thế giới xác lập kỷ lục: Bộ sưu tập ấm tử sa ở các niên đại, đa dạng về kiểu dáng và có số lượng nhiều nhất thế giới.

capture-1692703851.JPG

Những chiếc ấm tử sa rất đỗi quen thuộc đối với người yêu trà, theo đuổi nghệ thuật trà đạo. Từ chỗ là dụng cụ để pha trà, ấm chén tử sa đã trở thành tác phẩm nghệ thuật. Như bộ sưu tập hơn 1.000 ấm tử sa này thuộc nhiều niên đại, đa dạng về kiểu dáng, cùng nhiều bộ chén được làm từ nguyên liệu quý hiếm, được chủ nhân của nó là trà sư Ngô Thị Thanh Tâm bỏ công sưu tầm từ 30 năm qua.

Sự tài hoa, sáng tạo và tâm huyết của nghệ nhân tạo tác trên mỗi chiếc ấm, cùng sự kỳ công của người sưu tầm đã đem đến một bộ sưu tập “độc nhất vô nhị”.

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm

“Có những lúc đi tìm thì rất là thuận lợi, tự nhiên như nó có duyên với mình, nó tự đến, cũng có lúc thì rất là khó khăn mình phải năm nỉ để có 1 cái ấm đem về…”

Ấm chén tử sa được làm từ đất sét tử sa (đất sét màu tím) chỉ duy nhất khai thác ở vùng Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Điểm đặc biệt là dùng ấm tử sa pha trà sẽ cho ra nước trà thơm ngon hơn so với các loại ấm thông thường, nhờ đặc tính giữ nhiệt đặc biệt của đất tử sa khi được các nghệ nhân chế tác. Những chiếc ấm như đại diện cho những thời kỳ văn hóa, là bộ mặt của sự tiến bộ, là dấu hiệu đặc trưng cho thẩm mỹ của từng thời đại trong quá trình hình thành và phát triển ấm tử sa.

 

Nghệ nhân trà đạo Bùi Thị Ngọc Mỹ

“Những cái ấm này rất là giá trị. Cô ấy đã bỏ ra rất dày công để sưu tầm, nghiên cứu về nó.”

Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Sơn

“Mỗi cái, mỗi loại mỗi đời, có những cái có giá trị cao cấp từ đời Càn Long, thí dụ vậy. Nó có giá trị lịch sử vậy.”

Đất sét tử sa đã ngừng khai thác hơn 20 năm nay. Thế nên ấm chén tử sa được coi là cổ vật và để sở hữu ấm chén tử sa chính hiệu không phải điều dễ dàng.

Không chỉ với ấm tử sa, bằng tình yêu mãnh liệt với trà, nhiều năm qua, trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã tìm tòi, sưu tầm nhiều loại trà quý, chế biến nhiều loại trà ngon. Mong muốn lớn nhất của bà là làm thể nào để trà cổ thụ Việt Nam - dòng trà tự nhiên, quý hiếm, được chế biến thủ công, giàu năng lượng tinh thần đến với nhiều người. 

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm

“Mong ước của mình là góp nhặt những cái ấm này để làm thành 1 cái bảo tàng về ấm tử sa cho Việt Nam, thì song song với cái bảo tàng này thì rất là muốn có viện nghiên cứu và phát triển Trà Việt. Bởi vì trà của Việt Nam mình có bề dày lịch sử cũng đáng ngưỡng mộ.”

Trà đạo không chỉ là đam mê, là tình yêu mà là một nghệ thuật văn hóa và nét đẹp truyền thống cần được tiếp tục gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau./.

Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.