Luật PPP (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) đã nói rất cụ thể nhà nước chỉ tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, còn lại là nhà đầu tư. Tuy nhiên từ khi luật PPP có hiệu lực thi hành tới nay thì chưa có một nhà đầu tư nào đầu tư PPP. Chính vì vậy việc Quốc hội xem xét nâng mức 50% lên 70% để nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho các dự án PPP, và có thể thu hút nguồn lực xã hội vào các dự án trọng điểm của đất nước.
Phân tích vì sao từ khi có Luật PPP có hiệu lực thi hành, không có một nhà đầu tư nào tham gia vào các dự án PPP, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, các dự án, đặc biệt dự án giao thông, đường cao tốc có số vốn rất lớn. Thực tế doanh nghiệp cũng chỉ đầu tư được khoảng 20% vốn tự có, số còn lại phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng cũng đắn đo vì muốn cho vay dự án PPP cũng phải tìm hiểu dự án này có khả năng hoàn vốn sớm hay không, hay là sẽ mất cân đối.
Ông Nguyễn Công Long - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
“Thời gian qua chúng ta đã thấy nó không thu hút được các nhà đầu tư, không huy động được nguồn lực lớn của xã hội tham gia vào cái sự phát triển hạ tầng nữa thì rõ ràng chúng ta phải điều chỉnh chính sách, tôi cho rằng chúng ta phải điều chỉnh kịp thời.”
Từ trước đến nay, quy định liên quan đến tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP cho hạ tầng giao thông cũng chưa được hấp dẫn tối đa là 50% trong khi nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn, đây là một bất lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cũng chưa thu hút nhà đầu tư. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà rất nhiều dự án khác cũng đang bế tắc.
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
“Quốc hội ban hành NQ riêng để mà tăng cái nguồn vốn đối ứng đầu tư của Nhà nước 70% trở lên, hy vọng 70-75% tôi cho rằng rất hợp lý, sẽ tạo điều kiện cho những nhà đầu tư PPP họ có điều kiện thuận lợi ngoài vốn tự có và vốn vay ngân hàng để tham gia cùng Nhà nước cùng thực hiện dự án. Bởi vì không thể ngân sách Nhà nước đầu tư 100% tất cả các đường cao tốc thì tôi nghĩ rằng ngân sách không thể nào đảm bảo được vì ngân sách còn rất nhiều thứ để thực hiện.”
Trên thực tế, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm (2021 - 2025) chiếm khoảng 32%-34% GDP, tuy nhiên tỷ trọng vốn đầu tư công chỉ khoảng 16%-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Như vậy, nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.