Chở thuê xe máy cũ: bị truy tố

TTO - Một người làm nghề cứu hộ xe máy, ôtô bị hư hỏng vừa bị truy tố vì chở thuê 3 xe máy cũ từ Tây Ninh về TP.HCM. Cơ quan tố tụng cho rằng xe máy cũ có nguồn gốc từ Campuchia là hàng cấm nhập khẩu.

Chở thuê xe máy cũ: bị truy tố - Ảnh 1.

Xe ôtô cứu hộ vận chuyển Gia Bảo trước khi bị cơ quan điều tra tạm giữ để xử lý - Ảnh: T.H.

Anh Nguyễn Ngọc Gia Bảo (31 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) bị cơ quan điều tra huyện Tân Biên (Tây Ninh) khởi tố điều tra, sau đó Viện KSND huyện này truy tố về tội danh "vận chuyển hàng cấm" theo điều 191 Bộ luật hình sự (BLHS).

Xe máy cũ là hàng cấm?

Anh Bảo hành nghề vận chuyển cứu hộ đã nhiều năm. Bảo có 2 ôtô (thương hiệu Gia Bảo) chuyên cứu hộ vận chuyển 24/24 giờ xe máy, môtô bị hư hỏng trên đường đến nơi sửa chữa.

Ngày 28-9-2020, một khách hàng xưng tên Giàu gọi điện thuê Bảo chở 3 chiếc xe cũ từ huyện Tân Biên (Tây Ninh) xuống TP.HCM để sửa chữa. 

Sau khi đồng ý giá 2,5 triệu đồng cho quãng đường vận chuyển thì Bảo gọi cho tài xế của mình là Huỳnh Công Đình Nghi chạy ôtô cứu hộ lên nhà ông Giàu tại khu phố 3, thị trấn Tân Biên (huyện Tân Biên, Tây Ninh) chở xe.

Trên đường đi gặp tổ cảnh sát dừng xe yêu cầu kiểm tra giấy tờ về hàng hóa trên xe. Anh Nghi nói chỉ là tài xế chở thuê và không có giấy tờ liên quan của 3 xe máy. Vì vậy xe cứu hộ và 3 xe máy bị đưa về trụ sở Công an huyện Tân Biên.

Sau đó, tài xế ôtô và anh Bảo được công an huyện mời lên lấy lời khai rồi cho về. Đến giữa tháng 11-2021, Bảo và Nghi bị Công an huyện Tân Biên tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội "vận chuyển hàng cấm". 

Khi nhận được kết luận điều tra thì Bảo mới hay 3 chiếc xe mà Giàu thuê chở về TP.HCM là do Giàu cùng với một số người mang "lậu" từ Campuchia về. Tiếp đó Viện KSND huyện cũng ra cáo trạng truy tố Bảo, Nghi và Giàu về cùng tội danh trên.

Cơ quan điều tra và viện kiểm sát xác định số xe nói trên là hàng cấm vì căn cứ vào điều 5, nghị định 69/2018 quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương quy định, xe môtô đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. 

Bảo và tài xế Nghi là người đã thành niên, có đầy đủ trách nhiệm hình sự, nhằm mục đích thu lợi nên đã chở thuê 3 xe là hàng cấm cho Giàu. Theo định giá thì 3 xe có tổng giá trị là 156 triệu đồng.

"Thông thường khi có khách thuê chở thì tôi tính toán quãng đường, báo giá và kêu tài xế đi chở. Còn pháp lý hàng hóa thì chủ hàng phải chịu. Tôi hành nghề này nhiều năm chưa bao giờ xảy ra sự cố hay vi phạm pháp luật gì. Nay cơ quan tố tụng cho rằng xe máy là hàng cấm và bắt tội tôi khiến tôi rất hoang mang" - anh Bảo nói.

Hàng cấm nhập khẩu khác hàng cấm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn luật hình sự (Trường đại học Luật TP.HCM) - cho rằng xe máy cũ không phải là hàng cấm theo quy định tại điều 191 BLHS năm 2015.

Bởi lẽ hàng cấm theo quy định tại điều 191 BLHS hiện được quy định tại điều 6 Luật đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021). 

Tại thời điểm Bảo chở thuê xe cho Giàu (tháng 9-2020) thì Luật đầu tư năm 2014 đang có hiệu lực. Theo đó xe máy cũ không nằm trong danh mục hàng cấm của Luật đầu tư.

Trong khi xe máy cũ thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu theo điều 5, nghị định 69. Khái niệm "hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu" là khác hoàn toàn với khái niệm "hàng cấm" quy định tại điều 191 BLHS.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Huy Việt - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng Chính phủ quy định về "hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu" nhằm thực hiện chính sách ngoại thương, bảo vệ lợi ích quốc gia tại từng thời kỳ. 

Ví dụ Chính phủ có thể hạn chế nhập khẩu loại lương thực, thực phẩm, con giống, cây giống... vì lý do dịch bệnh hay chính sách ngoại thương, bảo vệ sản xuất trong nước.

Như vậy không có nghĩa là lương thực, thực phẩm, cây giống đó là hàng cấm. Tương tự, nghị định 69 quy định cấm nhập khẩu một số hàng hóa đã qua sử dụng như hàng dệt may, điện tử... thì không đồng nghĩa hàng hóa đó là hàng cấm. 

"Hàng cấm theo quy định BLHS điển hình như thuốc lá, tiền chất ma túy, ma túy..." - luật sư Việt nói.

Phân tích thêm, tiến sĩ Phan Anh Tuấn cho rằng vì xe máy cũ không phải là hàng cấm theo quy định tại điều 191 BLHS, nên anh Bảo và tài xế Nghi không phạm tội vận chuyển hàng cấm như truy tố. 

"Đồng thời anh Bảo và tài xế Nghi chở 3 xe máy cũ trong lãnh thổ Việt Nam nên cũng không có dấu hiệu phạm tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, theo điều 189 BLHS" - ông Tuấn nhận định.

Hành khách mang thuốc lá, tài xế và lơ xe bị tội vận chuyển hàng cấm

Mới đây TAND tỉnh Long An phải hoãn phiên xử phúc thẩm (lần 2) đối với Đặng Minh Xuân (tài xế) và Nguyễn Phi Vũ (lơ xe) về tội vận chuyển hàng cấm. Tháng 11-2018, trong phiên xử sơ thẩm TAND thị xã Kiến Tường đã tuyên Xuân và Vũ tội vận chuyển hàng cấm.

Hai bị cáo kháng cáo. Viện KSND tỉnh Long An cũng có kháng nghị cho rằng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng quá trình lập biên bản quả tang, thu thập chứng cứ...

Tháng 8-2019, xử phúc thẩm lần đầu, TAND tỉnh Long An hủy án để điều tra, xét xử lại vì lý do cơ quan điều tra có vi phạm tố tụng và các căn cứ buộc tội không khách quan.

Tuy vậy, tháng 9-2020, xử sơ thẩm lần 2, TAND thị xã Kiến Tường vẫn tuyên 2 bị cáo phạm tội. Các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Theo nội dung vụ án, tháng 6-2018 Xuân lái xe buýt chạy tuyến huyện Tân Hưng đi Tân An (Long An), Vũ là lơ xe.

Trên đường có 2 nữ hành khách lên xe mang theo 12 thùng cáctông và 18 bịch nilông. Lơ xe nghi 2 khách nữ mang hàng hóa là thuốc lá lậu nên yêu cầu cả người và hàng hóa xuống xe nhưng họ không xuống. Do trên xe có khách cần đến bệnh viện gấp nên tài xế Xuân cho xe chạy tiếp.

Khi Xuân dừng xe tại phòng khám Sài Gòn (thị xã Kiến Tường) để bệnh nhân xuống thì lực lượng công an xuất hiện, kiểm tra. Hai nữ hành khách tẩu thoát, còn Xuân và Vũ bị công an xử lý.

Cạnh tranh bằng cách lén bỏ hàng cấm lên xe Cạnh tranh bằng cách lén bỏ hàng cấm lên xe 'đối thủ', rồi báo công an

TTO - Ở Gia Lai gần đây đã xảy ra tình trạng xe khách bị cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bỏ hàng cấm, hàng kém chất lượng lên xe rồi báo cho công an.