Chuyện “trẻ con” ở Olympic

Sự xuất hiện của môn trượt ván lần đầu tiên ở Tokyo khiến Thế vận hội ghi nhận nhà vô địch trẻ tuổi thứ 2 trong lịch sử đó là nữ VĐV Momiji Nishiya (Nhật Bản) ở tuổi 13 tại nội dung trượt ván đường phố.

Chuyện “trẻ con” ở Olympic

Điều thú vị là ở nội dung dành cho nam, nhà vô địch Rune Glifberg năm nay đã 46 tuổi. Cũng ở môn trượt ván, ghi nhận VĐV trẻ nhất từng đoạt huy chương Olympic sau 85 năm đó là Kokora Hiraki (gần 13 tuổi), khi cô về nhì hạng mục trượt ván công viên. Còn nếu nói riêng vể người trẻ nhất dự Olympic Tokyo 2020 thì đó là tay vợt bóng bàn nữ Hend Zaza (Syria), người thi đấu trận đầu tiên khi 12 tuổi và 204 ngày. Zaza là VĐV trẻ nhất dự Olympic kể từ trường hợp của Carlos Font (11 tuổi), thi đấu môn rowing tại Olympic Barcelona 1992.

Lịch sử Thế vận hội ghi nhận các VĐV “búng ra sữa” từ rất lâu rồi. Ngay kỳ Olympic đầu tiên vào năm 1896, VĐV thể dục Dimitrios Loundras của Hy Lạp đã trở thành người đoạt huy chương nhỏ tuổi nhất mọi thời đại khi mới lên 10. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, người trẻ nhất từng dự Olympic và thậm chí có huy chương là một cậu bé chừng hơn 7 tuổi người Hà Lan mà cho đến nay không ai biết tên. Cậu bé được bố đặt ngồi vào chiếc thuyền rowing trong nội dung thi đồng đội ở Olympic 1900. 

Trên bục nhân huy chương, cậu bé cũng có mặt nên về lý thuyết vẫn được tính là thành viên của chiếc huy chương. Cho đến nay, nữ VĐV nhảy cầu người Mỹ Marjorie Gestring được xem là nhà vô địch trẻ nhất khi đoạt HCV ở Olympic 1936 khi mới 13 tuổi 268 ngày. Olympic không giới hạn tuổi tác, tuy nhiên một số môn có khống chế tuổi an toàn thi đấu như ở môn thể dục dụng cụ phải đủ 16 tuổi mới được tham gia. Chính vì thế, các trường hợp nhỏ tuổi thường xảy ra theo kiểu cá biệt, hy hữu.

Nhưng Tokyo 2020 là sự kiện đầu tiên cố gắng làm thay đổi dòng chảy của Thế vận hội. Các nhà quản lý thể thao thế giới đang cố gắng hướng đến nhiều hơn các khán giả ít tuổi. Việc xuất hiện các môn đại diện cho thế hệ Gen X, Gen Z như trượt ván, leo núi trong nhà, lướt ván hay trước đó là các môn thể thao xe đạp BMX cũng nhằm mở rộng đối tượng xem thi đấu xuống khu vực tuổi teen. Điều này đồng nghĩa với khả năng nhận các nguồn tài trợ khổng lồ từ các nhãn hàng game, mạng xã hội vốn rất chịu chi quảng cáo.

Nhưng các kế hoạch này vẫn đang gặp khó khăn. Vì Tokyo 2020 không có khán giả nên lực lượng tình nguyện viên không có việc làm, trong khi ở các kỳ Thế vận hội khác, chính sự trẻ trung của họ đã giúp quảng bá tốt nhất cho các sự kiện phù hợp với độ tuổi.

Nói như vậy để thấy, các nhà quản lý sẽ còn tiếp tục thúc đẩy Olympic đến với khán giả trẻ, tức là sẽ có nhiều môn thể thao mới mẻ xuất hiện, mạo hiểm hơn và cũng khiến cho Olympic đa sắc màu hơn.