“Chạm đáy” do... Covid-19
Giới buôn bán bất động sản (BĐS) ở TP. Đà Nẵng thời gian gần đây khi ngồi với nhau thay vì cười nói rôm rả, bàn chuyện dự án này, dự án nọ, “hoa hồng” rủng rỉnh như trước kia, thì bây giờ mỗi người mỗi góc với những khuôn mặt trầm ngâm lo lắng. Một không khí trầm lắng, như chính trên thị trường BĐS ở thành phố hiện nay. Và đúng là sôi nổi sao được khi lần bùng phát thứ hai của đại dịch Covid-19 như một cú “knock-out”, khiến thị trường BĐS ở địa phương chưa gượng dậy nổi trong đợt dịch đầu tiên, đến nay lại phải nhận thêm một đòn chí mạng.
Mặt bằng giá trên thị trường BĐS tại TP. Đà Nẵng đã giảm sâu |
Có thể nói, kể từ cuối năm 2019, thị trường BĐS ở Đà Nẵng bắt đầu đi vào “vận đen”, tụt dốc không phanh. Các công ty BĐS cũng bắt đầu thời gian lao đao. Thời điểm Covid-19 xuất hiện lần đầu tại thành phố, thị trường BĐS đã bắt đầu gặp những khó khăn. Thị trường ảm đạm, giao dịch nhỏ giọt, những sàn giao dịch nhỏ rục rịch rủ nhau đóng cửa. Cầm cự được chừng vài tháng, đến cuối tháng 7/2020 Covid-19 quay trở lại “hỏi thăm” thành phố, đến đây thị trường hoàn toàn “đứng bánh”.
Các công ty BĐS cửa đóng then cài, hàng loạt nhân viên môi giới, đến công việc hành chính bơ vơ thất nghiệp. Giám đốc một công ty BĐS ở địa phương thở dài chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng: khó khăn lắm anh ơi! Khi đại dịch bùng phát trở lại, gắng lắm em mới giữ được gần chục nhân viên đã gắn bó lâu dài, còn hầu hết anh em nghỉ việc hết. Phần quay về quê, số ít bám trụ thành phố lay lắt qua ngày. Mọi kế hoạch kinh doanh kỳ công xây dựng từ đầu năm đổ sông, đổ bể hết vì Covid-19. Nhớ lại những khoảng thời gian làm không hết việc mà thật... tiếc.
Thực tế, hiện nay, các giao dịch BĐS gần như không có, mặc dù mặt bằng giá đã chạm đáy. Những khu vực từng được coi là “vựa đất nền”, sôi động tập nấp mua bán của Đà Nẵng, giờ cũng vắng tanh như chùa Bà Đanh. Đơn cử, như ở khu đô thị Golden Hills (Liên Chiểu), từng là “điểm nóng” của phân khúc đất nền ở địa phương, sau khi “hết sốt” thì nay giá đã quay đầu giảm mạnh. Ở thời điểm còn “nóng”, ở đây thường xuất hiện cảnh tấp nập, người mua kẻ bán, kiếm lời vài chục, thậm chí vài trăm trong buổi sáng dễ như trở bàn tay.
Đến nay, mặc dù giá đã giảm khoảng gần 40% so với trước kia, song người bán cũng không dễ gì để đẩy hàng. Không riêng gì khu vực dự án khu đô thị Golden Hills, nhiều khu vực khác cũng đang ế chỏng, ế chơ. Chẳng hạn ở khu vực Hòa Xuân (Cẩm Lệ), lô đất trước kia có giá khoảng 4,2 tỷ đồng, nay rớt xuống mức 3 tỷ đồng. Hay khu vực Tân Trà (Ngũ Hành Sơn), một lô đất biệt thự 150m2, thời điểm trước có giá 5,5 tỷ đồng thì nay chỉ rao bán khoảng hơn 4 tỷ đồng, nhưng cũng rất ít người đến hỏi han với thiện chí mua thực sự.
Mặc dù trên thị trường giá đã bắt đáy. Song, để bán được hàng trong thời điểm này là rất khó khăn. Thế mới có chuyện những nhà đầu tư “cá mập”, lỡ ôm một lượng hàng lớn, bán ra không kịp. Đến nay, đang phải đối mặt với việc mất vốn, nợ nần, thậm chí dính vòng lao lý vì liên quan đến tín dụng đen như vừa xảy ra ở Đà Nẵng, mà báo chí đã đưa tin. Trên thị trường hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư “mắc cạn”, với kiểu đầu tư “lướt sóng”, dùng vốn ngân hàng hay chạy vay “nóng” ôm nhiều hàng vào, đến thời điểm này bắt buộc phải bán cắt lỗ do không gánh nổi tiền lãi...
Theo ông Nguyễn Hoàng, đại diện DKRA Việt Nam, Đà Nẵng là nơi phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do đợt dịch vừa qua. Trong bối cảnh đó, không chỉ riêng thị trường BĐS mà những ngành kinh tế khác đều đang chịu thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Trên thị trường, cả nhu cầu, lẫn nguồn cung đều giảm sút, sức mua BĐS giảm ở hầu hết các phân khúc cũng là điều dễ hiểu.
Đừng chờ giá giảm thêm
Bên cạnh những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thực tế thị trường BĐS ở Đà Nẵng trong thời gian qua còn phải gánh chịu thêm những bất lợi khác. Trong đó, đầu tiên có thể kể đến việc một số dự án trên địa bàn và địa phương “hàng xóm” liên tục “dính chàm”, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp kiện tụng.
Trong đó, có những chủ đầu tư dự án làm ăn chụp giật, bán lúa non, khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa có sổ hồng, sổ đỏ cũng rao bán hiên ngang. Ngoài ra, còn là sự chi phối của nhóm những nhà đầu tư “cá mập”, những người này có thể ở địa phương, hoặc đến từ những nơi khác. Cậy có tiền, gây nên những đợt sóng cục bộ, làm lũng đoạn thị trường...
Đến thời điểm này bất luận vì lý do gì, thì cũng có thể khẳng định trên thị trường BĐS ở địa phương, giá đã “chạm đáy”. Đây có thể là cơ hội “vàng” cho những khách hàng có nhu cầu an cư thực sự, hoặc những nhà đầu tư có tiềm lực với nguồn tiền đang nhàn rỗi.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thời điểm này đang là cơ hội “vàng” để đầu tư. Khủng hoảng đã làm suy yếu một phần thị trường. Những chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính sẽ bị hụt hơi, buộc phải tìm nhà đầu tư khác để chuyển nhượng. Từ đó, giá sẽ hợp lý hơn hoặc rất rẻ... Trong khi đó, về phần các “thượng đế”, nhiều nhà đầu tư vẫn còn có tâm lý chần chừ, muốn chờ thêm mặt bằng giá giảm sâu nữa rồi mới quyết định. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS ở địa phương thì điều này sẽ khó xảy ra.
Ông Nguyễn Phước Tuyên, một chuyên gia BĐS cho rằng, mặt bằng giá khó có thể giảm hơn nữa, sức mua có thể tăng lên trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Mức giá BĐS ở địa phương vào thời điểm hiện nay đã hợp lý và khó để giảm giá thêm nữa. Chưa kể, thời gian tới đây khi các gói kích cầu, các chính sách ưu đãi từ Nhà nước như giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... phát huy giá trị trong thực tế, sẽ có những tác động tích cực lên thị trường. Và thị trường BĐS cũng rất nhạy cảm dễ “đóng băng”, song cũng rất nhanh lên “cơn sốt”. Không loại trừ, khả năng sẽ xuất hiện những “đợt sóng” đầu tư mới vào thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian tới.
Với cái nhìn tích cực hơn, cũng theo ông Nguyễn Hoàng - đại diện DKRA Việt Nam, Đà Nẵng có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới, thời điểm hồi phục có thể kể vào quý IV/2020. Thành phố hiện đang có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai.
Trong đó, có thể đến dự án mở rộng cảng Liên Chiểu, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị... Trong khi, yếu tố về hạ tầng sẽ luôn hỗ trợ cho tất cả các phân khúc BĐS tăng trưởng, từ bất BĐS công nghiệp, nhà ở, căn hộ, cho tới đất nền hay biệt thự nhà phố. Bên cạnh đó, còn có thể kể đến sự phục hồi của ngành du lịch, cũng sẽ có những tác động tích cực lên thị trường BĐS ở thành phố bên bờ sông Hàn...
Nghi Lộc/TBNH