Nhận định trên được tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, đưa ra tại hội thảo “Pháp lý cho condotel” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Theo ông Nam, Điều 48 của Luật Du lịch, condotel được định nghĩa là biệt thự du lịch hoặc căn hộ du lịch, không có căn hộ khách sạn.
Đa số người mua condotel bị thu hút bởi lợi nhuận mà các chủ đầu tư cam kết
Đối với ngành du lịch, condotel được nhận định là một cơ sở lưu trú quan trọng, cần thiết cho sự phát triển của ngành du lịch. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn quá ít cơ sở lưu trú có chất lượng cao.
Theo thống kê, đến cuối năm 2018 cả nước có 15.626 cơ sở lưu trú với với 353.293 buồng ở các phân khúc. Trong đó, cơ sở lưu trú từ 3 sao trở nên chỉ có 965 cơ sở, chiếm 6% cơ sở lưu trú du lịch.
Theo ông Nam, thời gian qua đã xảy ra nhiều khủng hoảng liên quan đến loại hình này, chẳng hạn như câu chuyện Cocobay Đà Nẵng mới đây. Ở một số dự án có tình trạng biến tướng từ sản phẩm bất động sản thành sản phẩm tài chính phái sinh, chứng khoán phái sinh.
“Nếu là bất động sản du lịch, người mua cần quan tâm vị trí tốt không, chất lượng đảm bảo không, giá cả hợp ký không, quản lý có chất lượng không. Thế nhưng đa số người mua condotel lại bị thu hút bởi lợi nhuận. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, làm hỏng hết câu chuyện condotel”, ông Nam nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng biến tướng này, ông Nam cho rằng cần có sự hợp tác giữa các bên để tháo gỡ. Về phía các chủ đầu tư, họ được quyền làm những sảm phẩm mà pháp luật không cấm. Người mua có quyền mua nhưng phải kiên nhẫn, không thể nằng nặc đòi những thứ luật pháp chưa có.
Ông Nam cũng cho biết, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng dựa vào hệ thống pháp luật hiện hành, cấp giấy chứng nhận quyền tài sản của condotel, cần loại sổ đỏ mang đúng tên căn hộ du lịch hoặc biệt thự du lịch, thời hạn bằng thời hạn dự án.
Song ông Nam không đồng tình với đề xuất cấp sổ đỏ dài hạn vĩnh viễn đối với condotel.
Tại hội thảo, ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết khi giao đất cho đến lúc hình thành tài sản, đất xây dựng condotel được xác định là đất sản xuất kinh doanh. Việc giao đất thực hiện dự án phải theo quy hoạch, không thể có chuyện cấp và phê duyệt dự án đất ở trên đất sản xuất kinh doanh.
Về chế độ sử dụng đất, chương 10, mục 3, Điều 153 của Luật Đất đai đã quy định rõ đối với loại hình này. Quy định cấp giấy chứng nhận cũng được nêu rại Điều 104 Luật Đất đai. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận có tại Nghị định 01 và Thông tư 24, bổ sung ở Thông tư 33.
“Cơ sở pháp lý, quy định chế độ sử dụng đất, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đến thời điểm hiện nay đã đảm bảo đầy đủ. Từ thực tiễn cũng chưa có cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận tại địa phương nào phản ánh khó khăn trong vấn đề này”, ông Phấn nhấn mạnh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng cho biết, hiện có một số địa phương còn vướng mắc pháp lý, điển hình là Đà Nẵng và Bình Định.
Hai địa phương này tự “sáng tác” ra khái niệm nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Từ đó, cấp giấy chứng nhận cho condotel là đất ở, lâu dài trong khi pháp luật không có quy định về khái niệm mù mờ này nên không thể tham chiếu vào quy định pháp luật. Điều này khiến nhà đầu tư thứ cấp và xã hội rất hoang mang.
“Đến nay, chúng tôi chỉ nhận được ba đề nghị hướng dẫn của địa phương, doanh nghiệp và cũng đã có văn bản hướng dẫn, trả lời. Các cơ quan cấp giấy chứng nhận vẫn chưa đặt vấn đề khó khăn”, ông Phấn cho biết.
Tại sao dư luận đặt vấn đề cấp giấy chứng nhận khó khăn? Ông Phấn đặt câu hỏi và nhấn mạnh rằng, đất đầu vào được giao sản xuất kinh doanh, thì đầu ra không thể là đất ở. Quy định thời hạn đất kinh doanh 50 năm nhưng chủ đầu tư lại cứ đòi được cấp đất ở, lâu dài. Lý do khiến chủ đầu tư và hệ thống hành lang pháp lý không gặp nhau ở đó.
Thanh Thịnh/ Cafeland