Cá sơn vốn có rất nhiều trong các vuông tôm và các cửa sông vùng ngập mặn ở Cà Mau. Tuy nhiên trước đây, loài cá này gần như không mang lại giá trị kinh tế. Nhận thấy nguồn cá sơn dồi dào, hơn 10 năm trước, chị Phan Thị Chuyển (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) đã nảy ra ý tưởng chế biến chúng thành một món ăn dân dã, đó làm mắm cá sơn. Ban đầu chị chỉ thử làm mắm để ăn và biếu cho người thân, được khen ngon và khuyến khích làm để bán, đến nay, mắm cá sơn đã trở thành đặc sản rất được thực khách ưa chuộng.
Theo chị Chuyển, muốn mắm ngon thì phải chọn cá sơn tươi sống. Cá sau khi sơ chế và ủ muối khoảng 1 tháng thì đem rửa sạch, để ráo, ướp thêm rượu, đường, thính xay rồi ủ thêm 2 tháng nữa. Như vậy, từ ngày làm đến ngày thành phẩm mất 3 tháng.
Chị Phan Thị Chuyển – Xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“Khó nhất quy trình làm mắm làm nên chất lượng là khâu thính mắm, ủ muối. Muối mình ủ cho vừa, nếu mặn quá thì con mắm sẽ cứng, còn lạt quá con mắm sẽ chua, tái. Thành ra khâu muối với thính là quan trọng nhất.”
Theo chị Chuyển, mắm cá sơn thơm ngon, đạt chuẩn phải có màu sắc đẹp, con mắm khi ăn vào có vị hơi chua, đậm đà, thịt cá mềm, xương rệu và hương thơm đặc trưng.
Biết cách tận dụng tốt nguồn cá tạp tự nhiên để chế biến thành món ăn dân dã, chị Phan Thị Chuyển đã mang đặc trưng ẩm thực vùng sông nước Cà Mau gửi đi khắp cả nước. Mỗi năm, chị Chuyển cung cấp ra thị trường 3 – 4 tấn mắm cá sơn. Mỗi hộp mắm 1kg có giá khoảng 100.000 đồng, mang về cho chị lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng mỗi tháng./.
Chương trình Người đưa tin 24H phát sóng lúc 06h30 trên THVL1, thông kênh THVL2; 11h15 trên THVL1; 18h30 trên THVL2.