Điểm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, California, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Các chuyên gia Mỹ gợi ý quan chức chính phủ quốc gia này nên căn cứ vào tỉ lệ nhập viện do COVID-19 và số ca tử vong khi xem xét ban hành các biện pháp hạn chế.
“Số ca mắc COVID-19 hằng ngày hiện đang rất cao khiến nhiều người dân ở đây hoang mang và sợ hãi. Thế nhưng con số này lại không còn phản ánh đúng thực trạng dịch bệnh, chúng ta nên tập trung vào những số liệu khác”, bác sĩ Monica Gandhi, giáo sư y khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm tại ĐH California, khẳng định với báo The Guardian.
Giáo sư Gandhi giải thích: “Dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất, biến thể Omicron có thể tấn công phổi kém hơn các biến thể COVID-19 trước đó. Hơn nữa, hiện nay Mỹ đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao hơn các đợt dịch trước”.
“Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ nên cân nhắc quá trình chuyển sang xem COVID-19 là bệnh đặc hữu và tập trung vào mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên số người nhập viện vì COVID-19 và số ca tử vong”, báo Time trích lời giáo sư Gandhi và giáo sư Leslie Bienen, chuyên gia y tế công cộng tại ĐH Portland, gợi ý.
Tương tự với đề xuất trên, bác sĩ Ashish Jha, một trong những chuyên gia y tế hàng đầu ở Mỹ, nhận định: “Khi một người được tiêm phòng đầy đủ mắc COVID-19, tỉ lệ tử vong là rất thấp. Số người mắc COVID-19 hằng ngày không còn phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của đại dịch”.
“Đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều trong 2 năm qua, tập trung cập nhật số ca nhiễm hằng ngày có thể không còn là phương pháp thích hợp để đối phó với virus SARS-CoV-2”, báo Forbes trích lời giáo sư Jha.
Một số quốc gia trên thế giới hiện đã thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Bộ Y tế Philippines ngừng cập nhật số ca nhiễm trên website
Hôm 27-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết từ ngày 1-1, trang web của Bộ Y tế Philippines chỉ cập nhật số ca tử vong và tỉ lệ nhập viện, dừng công bố số ca mắc mới hằng ngày.
Trước Philippines, Singapore và nhiều quốc gia khác ở châu Âu đã dần chuyển sang tập trung vào năng lực điều trị của bệnh viện hơn là kiểm đếm các ca bệnh, hướng tới xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu.