Homestay, khách sạn ngấm đòn vì Covid-19

Hơn hai tháng nay là khoảng thời gian khá căng thẳng với anh Tùng – quản lý tại một khách sạn khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất. Dịch bệnh Covid-19 lan rộng đang ảnh hưởng đến ngành du lịch khách sạn ở khắp nơi, và chỗ làm việc của anh cũng không phải ngoại lệ.

Số lượng khách giảm, doanh thu giảm theo, khách sạn nơi anh làm việc “gồng mình” được hai tuần, sau đó bắt đầu cho nhân viên nghỉ không lương luân phiên ba ngày mỗi tuần.

“Nếu trước đây công suất phòng thường duy trì ở mức 80-90%, mùa cao điểm lên đến hơn 90% thì hiện nay công suất phòng chỉ khoảng 15%. Cho nhân viên nghỉ luân nghiên các ngày trong tuần cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nhiều nơi bạn bè mình đang làm việc đã phải cắt giảm nhân sự vì không kham nổi chi phí”, anh Tùng cho biết.

Đi làm ngày được ngày mất, lương giảm và các khoản phụ cấp cũng giảm theo. Trong khi chi phí sinh hoạt gia đình gần như trông cả vào đồng lương hàng tháng của Tùng, nên anh đang boăn khoăn không biết xoay trở ra sao trong tình huống này.

Tình cảnh như anh Tùng không phải là kiếm gặp. Tuần qua trên mạng lan truyền thông đoạn clip ghi lại hình ảnh người được cho là quản lý khách sạn ở Hà Nội phải thông báo cho nhân viên nghỉ bốn tháng vì dịch bệnh Covid-19. Khách sạn này không có khách và đã lỗ đến 20 tỉ đồng.

Trước khi đi đến quyết định khó khăn này, khách sạn đã có hai tháng vật lộn với các phương án nhằm chống chọi với dịch bệnh nhằm cải thiện tình hình kinh doanh nhưng không đem lại hiệu quả.

Không chỉ những khách sạn lớn mới lao đao, các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ cũng rơi vào trạng thái “đóng băng” mọi hoạt động.

Anh Mạnh Cường, chủ một homestay ở khu phố Tây Bùi Viện (TPHCM), cho biết trong gần ba năm kinh doanh, chưa bao giờ homestay của anh bị khách hủy phòng nhiều như trong hơn một tháng qua.

“Khách hủy vì tâm lý lo lắng nên dù mình có áp dụng giảm giá đi chăng nữa thì tình hình cũng không cải thiện được. Mình làm quy mô nhỏ, nhân sự không nhiều nên cũng dễ bề sắp xếp. Dù muốn dù không cũng chỉ biết chờ xem tình hình rồi mới tính tiếp”, anh Cường nói.

Những người trong ngành cho biết, câu chuyện trên không chỉ diễn ra ở một, hai khách sạn mà đang trở thành thực trạng buồn trong ngành dịch vụ lưu trú nói chung.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua, không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.

Trong đó, các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.

Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho thấy, trong tháng 2/2020, công suất phòng bình quân của hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh chỉ đạt gần 22%.

Không chỉ Khánh Hòa, ngành khách sạn ở các tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM cũng đều rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh công suất cho thuê phòng khi lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm hơn 700.000 do dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong vòng một tháng, từ ngày 21/1 đến 20/2/2020, lượng khách đến chỉ còn hơn 1,24 triệu lượt, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ.

Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỉ USD.

Tính chung hai tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến vẫn tăng với 3,2 triệu lượt, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các hoạt động lưu chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, ăn uống, lưu trú…bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm hai con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỉ USD. Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.

Diệu Trang/ Cafeland