Đại diện các bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Kế hoạch - đầu tư tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP
Tại tọa đàm Nhìn lại năm 2021 những chuyển hướng chiến lược, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế chủng mới Omicron đã xuất hiện. Nhưng chúng ta đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Trên 90% người trưởng thành tiêm 2 mũi vắc xin
Theo ông Tuyên, tỉ lệ bao phủ vắc xin của Việt Nam tiêm mũi 1 cho người trưởng thành đã đạt trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Còn mũi 3 tiêm đã được khoảng 2,5 triệu liều. Như vậy độ bao phủ vắc xin của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo các tổ chức cũng như các nhà cung ứng vắc xin cho Việt Nam, tổng nguồn vắc xin phòng chống COVID-19 của Việt Nam tiếp nhận đến nay là trên 227 triệu liều.
Về kế hoạch tiêm vắc xin năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, suy thận mãn, viêm gan B, xơ gan… Bên cạnh đó, ngành y tế tổ chức tiêm mũi 3 cho những người đã tiêm mũi 2 đủ thời gian.
"Cùng với đó, chúng tôi đã có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi. Kế hoạch này chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đang xin ý kiến thành viên Chính phủ sớm hoàn thiện và chỉ đạo Bộ Y tế ký kết với nhà cung ứng để có vắc xin sớm nhất tiêm cho trẻ 5-11 tuổi", ông Tuyên nói.
Cũng theo ông Tuyên, Bộ Y tế thấy rằng tiêm vắc xin cho trẻ từ 5-11 tuổi rất cần có sự vào cuộc của người dân, đặc biệt là phụ huynh. Tiêm vắc xin là phải đảm bảo an toàn.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định chiến lược ngoại giao vắc xin là một điểm sáng của năm 2021. Thực tế cho đến nay, chúng ta đã tiếp cận được 190 triệu liều vắc xin, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vắc xin là các đối tác tài trợ cho Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta còn mua thương mại rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vắc xin rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vắc xin diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát như vậy, kết quả đó có ý nghĩa rất thiết thực để chúng ta có độ phủ vắc xin.
Năm 2022: kinh tế phát triển, dịch được kiểm soát
Nhận định về triển vọng của Việt Nam trong năm 2022, Thứ trưởng Tuyên cho rằng vẫn thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phát triển kinh tế và vừa làm tốt công tác chống dịch. Khi thực hiện mục tiêu kép, kinh tế sẽ phát triển. Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát. Mặt khác, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ rất tin tưởng năm 2022 nền kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh, hiệu quả và nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. Bởi lẽ trải qua 2 năm 2020-2021, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm cũng như động lực mới cho sự tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn giữ được những nền tảng cơ bản để phục hồi kinh tế bền vững như ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát cũng như năng lực nội tại của nền kinh tế vẫn duy trì được để quay trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững năm 2022.