Kẻ sát nhân cô độc 2 - Ẩn ý sau những khung hình

Nguyễn Thu Dung

Câu chuyện hấp dẫn là điều kiện trước tiên để có một bộ phim "trên giấy" hay. Bộ phim thành hình sẽ càng đặc sắc và đáng nhớ hơn khi có sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như: chất lượng hình ảnh, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, nhạc nền...

 

ke-sat-nhan-co-doc-2-1-1718377949.jpg

"Kẻ sát nhân cô độc" 2 là một bộ phim đặc sắc, rất đáng xem!

So với phim truyền hình, các bộ phim điện ảnh thường có yêu cầu rất cao không chỉ về nội dung mà còn ở chất lượng hình ảnh. Song không phải vì thế mà màn ảnh nhỏ thiếu đi những bộ phim truyền hình đặc sắc cả về nội dung câu chuyện và hình thức thể hiện, "Kẻ sát nhân cô độc" 2 (TFS) là một minh chứng.

Theo dõi phim, người xem đắm chìm trong hành trình đi tìm chìa khóa phá giải các vụ án; trong cuộc đấu tranh nội tâm của các nhân vật; cách họ bảo vệ bản thân và cái tôi chính nghĩa của mình; về mối quan hệ nhân quả giữa các nhân vật... Không chỉ thế, "Kẻ sát nhân cô độc" 2 còn có một "món quà" khác dành cho khán giả - nhất là người hâm mộ nghệ thuật, đó là sức hút của những ý nghĩa ẩn sau các khung hình. 

ke-sat-nhan-co-doc-2-2-1718377972.png

Cảnh Kha (Khôi Trần) đi ngược hướng đoàn tàu

Đơn cử như trong vụ án Vô diện, Kha (Khôi Trần thủ vai) đi ngược chiều với đoàn tàu đang hú còi ầm ĩ, để hướng đến nhà ông Khê với dự định kết thúc mọi tội ác ở nơi bắt đầu.

Đằng sau lớp nghĩa bề mặt giữa sự cô độc của Kha và đoàn tàu sống động; sự tách biệt giữa một bên là Kha và một bên là sự huyên náo của đoàn tàu; hay lớp nghĩa khác về sự lầm lũi của Kha cùng nội tâm gào thét của anh như đang chống lại cả đoàn tàu đang ngược hướng... còn có một hàm ý sâu xa hơn nữa. 

ke-sat-nhan-co-doc-2-3-1718377997.png

Nhà biên kịch Any Nguyễn, tác giả kịch bản của "Kẻ sát nhân cô độc" phần 1, phần 2

Nhà biên kịch Any Nguyễn cho biết: "Ý nghĩa của cảnh Kha đi trên đường ray được đẩy lên cực mạnh! Phương Tây có câu "Cuộc đời như một chuyến tàu lửa". Nó chỉ đi một hướng và lừng lững tiến tới, trên một đường ray đã được mặc định điểm đến. Ta có thể nhảy ra khỏi nó, xuống ở một ga nào đó hoặc đứng đó nhìn nó đi qua, chứ không thể bắt nó chuyển hướng được.

Chuyến tàu số phận của Kha đã rời bến nhưng Kha chọn ở lại, đối mặt với nỗi đau của mình, kết thúc hành trình của mình. Tuy vậy, Kha vẫn đi trên một đường ray khác, như thể nó được chuẩn bị trước, có lẽ bởi Trọng?".

ke-sat-nhan-co-doc-2-5-1718378012.jpg

Cảnh quay ấn tượng này được chuẩn bị kĩ lưỡng

Nói về công phu khi thực hiện phân đoạn Kha lẩn trốn trong một toa xe lửa hư và sau đó rời đi để tìm đến nhà cha mình (ông Khê), đạo diễn Trần Đức Long chia sẻ: "Chúng tôi đã phải tập diễn xuất của diễn viên với chuyển động của máy quay rất kĩ để không xảy ra sai sót khi bấm máy, vì thời điểm ghi hình là trời chập choạng tối, mà còn phải đợi đúng lúc đoàn tàu lửa chạy qua.

Cảnh đó chúng tôi đã thực hiện rất thành công! Riêng tôi, niềm vui được nhân lên gấp bội, vì quyết định chọn bối cảnh sân ga cho phân đoạn này bắt nguồn từ một chuyện cũ, khi thực hiện kí sự "Hỏa xa hành trình xuyên lục địa". Thời điểm đó, mỗi ngày tôi đều ghi vào máy quay không biết bao chuyện buồn vui, gặp gỡ, chia ly… tại các ga tàu hỏa từ Á qua Âu. Khi xem kịch bản đến đoạn này, những hình ảnh đó đã ùa về…".  

ke-sat-nhan-co-doc-2-6-1718378028.jpg

Đạo diễn Trần Đức Long

Không dễ để có thể tạo nên những cảnh quay vừa ấn tượng về thị giác vừa bao hàm ẩn ý. Đạo diễn cùng ê-kíp đã phải dụng công, dụng tâm rất nhiều để có được những cảnh quay này.

Đạo diễn Trần Đức Long cho biết: "Trong quá trình làm phim, giai đoạn tiền kì là một trong những khâu quan trọng để tôi nghiên cứu, chỉnh sửa và đi tìm phong cách thể hiện bộ phim. Bởi từ đây, cả ê-kíp (đạo diễn, DOP, chủ nhiệm, thiết kế...) sẽ bàn bạc, tìm kiếm và chọn lựa bối cảnh, trang phục, thiết kế cho từng phân đoạn cũng như xác định những thiết bị hỗ trợ về hình ảnh tốt nhất, phù hợp nhất cho dự án.

Đồng thời, chúng tôi còn bàn bạc rất kĩ phương án thể hiện ngay trong quá trình này, để đảm bảo tính khả thi nhất trong điều kiện kinh phí, thời gian làm phim truyền hình còn nhiều khó khăn. Tất cả quá trình này được thực hiện trơn tru, hiệu quả là nhờ vốn sống, kinh nghiệm, các mối quan hệ và sự chung tay của một ê-kíp chuyên nghiệp…

Với phim "Kẻ sát nhân cô độc" 2, yêu cầu về hình ảnh và diễn xuất của diễn viên được đặt ra rất cao. Tất cả đều được chuẩn bị và thực hiện trên mức 100%!".

ke-sat-nhan-co-doc-2-7-1718378045.jpg

"Kẻ sát nhân cô độc" 2 là quả ngọt sau quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của một ê-kíp chuyên nghiệp

Xem phim, khán giả có thể bắt gặp rất nhiều cảnh quay đẹp, ấn tượng, có hàm ý. Đó là những chi tiết rất nhỏ như Tuấn xuất hiện với khuôn mặt nửa tối nửa sáng, mà Nhikolai Đinh từng nhận định nhân vật Tuấn vừa là ác quỷ vừa là thiên thần hay cảnh gương mặt Dũng phản chiếu ngược trên màn hình điện thoại trong vụ Công chúa Tiktok; là các cảnh ảo giác giữa thật và giả với các nhân vật Hoàng, ông Trọng, bé Kha lúc nhỏ, những cố nhân đến và đi trong giấc mộng của Hoàng...; cảnh đa nhân cách của Hoàng, nơi khán giả bắt gặp một thân phận mạnh mẽ khác của anh là Mã...

Theo đó, khi thưởng thức "Kẻ sát nhân cô độc" 2, người xem không chỉ thổn thức trước những thước phim ấn tượng mà còn ngưỡng mộ thành quả lao động nghệ thuật của một ê-kíp yêu nghề, những người đã cùng nhau dốc sức, dành trọn tâm huyết để tạo nên một tác phẩm có giá trị cao về thẩm mỹ, mang nhiều giá trị nhân văn với những thông điệp ý nghĩa được chuyển tải một cách tinh tế, sâu sắc.

Phim vẫn đang được phát sóng lúc 22g thứ Năm, thứ Sáu hàng tuần trên kênh HTV7.  

 

Hiểu thêm về hàm ý của một cảnh quay khác trong phim!

Nhà biên kịch Any Nguyễn phân tích cảnh gương mặt của Dũng (Lê Mạnh Phương) phản chiếu ngược trên điện thoại:  "Viki phát tâm bệnh do chìm đắm vào thế giới "ảo", nhấn mạnh ảo với dấu ngoặc kép bởi dù những bình luận ác ý trên mạng xã hội là ảo song tác động của chúng lên người đọc lại có thật. Vì thế, Viki bị bệnh thực sự. Cách chữa lành cho cô là phải nghỉ ngơi và kiêng lên mạng xã hội — được biểu trưng qua cái điện thoại.

ke-sat-nhan-co-doc-2-8-1718378070.png

Hình ảnh Dũng (Lê Mạnh Phương) phản chiếu ngược trên màn hình điện thoại

Cơn nghiện mạng xã hội khiến cô như khùng điên, đến mức tự hại mình chảy máu. Đó là điểm dừng khiến cô hiểu mình phải biết lo cho thân mình trước. Và cũng là lúc cô thức tỉnh: khi mình gặp nạn, cái thế giới mạng không giúp gì được mình, mà chính những con người bằng xương bằng thịt đang ở bên cạnh mình mới giúp mình được. Dũng không làm gì đặc biệt ngoài trách nhiệm là bảo vệ và lo lắng cho Viki. Và hình ảnh gương mặt của anh với câu thoại "Đừng lên mạng nữa!" được phản chiếu trên chiếc điện thoại là ẩn dụ cho việc Viki đã ngộ ra được nhiều điều như đã nói ở trên".