Chưa bàn đến tiến trình xây dựng hành lang pháp lý để phát triển loại hình này, ngay cả tên gọi condotel là thế nào hiện cũng chưa có cái nhìn chính thức từ cơ quan quản lý. Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về tên gọi tiếng Việt của condotel trong hệ thống pháp luật (chỉ có Luật Du lịch có quy định về căn hộ du lịch), các pháp luật khác chưa có quy định về các loại hình công trình này, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các công trình này gặp vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất.
Khung pháp lý cho thị trường condotel cần đi trước |
Tại Diễn đàn “Hành lang pháp lý cho thị trường condotel” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 14/12/2019 tại Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để loại hình condotel phát triển đúng hướng, hơn lúc nào hết các Bộ ngành liên quan: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… cần ngồi lại với nhau căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ thị 1/2019 và 4/2019 để tìm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho phân khúc condotel.
“Nguyên tắc là căn hộ condotel được xây dựng trên đất được quy hoạch là đất du lịch, dịch vụ, thương mại nghỉ dưỡng thì tuân theo Luật Du lịch để cho thuê có thời hạn. Trường hợp condotel xây dựng trên đất ở thì tuân theo Luật Nhà ở, tiêu chuẩn quy phạm về nhà ở để được cấp sổ đỏ vĩnh viễn”- ông Chiến đề xuất.
Về phía cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản khẳng định đã “hoàn thiện xong bản dự thảo tiêu chuẩn quốc gia cho loại hình căn hộ này, đang đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và dự kiến ban hành cuối năm 2019”.
Cùng với sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt của các dự án trong phân khúc này, những cam kết về lợi nhuận ngày càng được các nhà phát triển địa ốc đưa ra thường xuyên hơn, với những con số hấp dẫn hơn. Và thực tế sau 2-3 năm đi vào vận hành, bên cạnh các chủ đầu tư đang chật vật để duy trì việc chi trả cam kết lợi nhuận thì ở một một số dự án đã xảy ra tình trạng "vỡ trận" như dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây.
Hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Dự kiến trong giai đoạn 2017 – 2019 có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Trong đó, condotel tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.
GS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận, các bất động sản du lịch kiểu mới (trong đó có condotel) có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, động viên được toàn dân tham gia làm du lịch dựa trên tạo hiệu suất cao trong sử dụng bất động sản của kinh tế chia sẻ.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Trần Thị Mỹ Lộc – PTGĐ Phụ trách kinh doanh Công ty CP Vinhomes cho rằng, condotel là một hướng đi mới về bất động sản nghỉ dưỡng, khi được quản lý chặt chẽ bằng khung pháp lý sẽ hạn chế được những hệ luỵ xấu, thậm chí khơi thông được nguồn vốn lớn trong dân, giảm được nguồn tín dụng ngân hàng đổ vào bất động sản để ưu tiên cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Thừa nhận condotel ở Việt Nam thực sự đang là “cái đuôi” không dễ cắt bỏ với nhiều ngân hàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đưa ra các kịch bản thực tế với việc đầu tư vào các dự án condotel. Thứ nhất, khi bán những condotel chủ đầu tư phải đưa ra được kế hoạch kinh doanh của mình, tỷ lệ lấp đầy như thế nào. Thứ hai, vấn đề sở hữu lâu dài hay không sở hữu lâu dài, đây là loại hình kinh doanh chỉ đến ở một thời gian, là bất động sản kinh doanh chứ không phải nhà ở. Thứ ba, chủ đầu tư thứ cấp phải là chủ đầu tư của bất động sản.
“Ngân hàng chỉ bảo lãnh giao nhà đúng tiến độ chứ không bảo lãnh cho cam kết lợi nhuận. Mô hình condotel cần được hỗ trợ phát triển; doanh nghiệp là chủ đầu tư cần có uy tín, khẳng định thương hiệu và cần trung thực với nhà đầu tư thứ cấp" - ông Hiếu phân tích.
Quang Lộc. CTO