Làm gì khi trẻ gặp những hội chứng do học trực tuyến kéo dài?

TTO - Theo các bác sĩ, học trực tuyến kéo dài không những dễ dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng như tật về mắt, béo phì… mà còn gây ra những bất ổn về tâm lý tâm thần, dẫn đến việc trẻ khó khăn khi trở lại xã hội.

Làm gì khi trẻ gặp những hội chứng do học trực tuyến kéo dài? - Ảnh 1.

Trẻ trong một giờ học trực tuyến tiếng Anh - Ảnh: MỸ DUNG

Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Học trực tuyến kéo dài, những điều đáng lo" do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổ chức chiều 31-12, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết những bệnh sinh ra bởi việc trẻ học trực tuyến trong thời gian dài rất nhiều. 

"Trẻ đã dư cân thì ở nhà càng dư cân và cứ như vậy đến khi đến bác sĩ dinh dưỡng cũng không chỉnh nổi. Trẻ tiếp xúc với màn hình nhiều, liên tục sẽ bị tật khúc xạ, có khi gia đình chưa phát hiện ra ngay được. Trẻ đeo tai nghe liên tục để học thì sẽ hư thính lực", bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm đó chỉ là những bệnh lý có thể thấy, còn những bệnh nguy hiểm hơn không thấy ngay được như trầm cảm. Nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không được đi học lâu dài thì dễ ảnh hưởng lớn đến cảm xúc.

Đồng tình với những hậu quả nặng nề của việc con trẻ phải học trực tuyến kéo dài, BS.CKII Nguyễn Thị Kiều Tiên - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - nói rằng trước đây người lớn hạn chế cho trẻ sử dụng điện thoại, máy tính thì giờ vì học trực tuyến, chúng ta đã mở 100% với con trẻ.  

"Trước đây tại sao người lớn lại hạn chế những điều đó? Vì nếu sử dụng trong thời gian dài, các thiết bị đó sẽ ảnh hưởng lên thị giác và hệ thần kinh của các em, gây ra nhiều loại bệnh. Trong đó có việc rối loạn chu trình thức ngủ, rối loạn lo âu… đặc biệt là có thể khiến trẻ rối loạn thích ứng, khó khăn khi trở lại cuộc sống xã hội", bác sĩ Kiều Tiên nêu.

Vậy khi trẻ gặp những hội chứng do học trực tuyến kéo dài, ở nhà lâu như vậy cha mẹ phải làm gì? 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến nghị khi phát hiện ra những biểu hiện bất thường của trẻ trong sinh hoạt, học hành, ăn nói… cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa để khám. Đồng thời, cha mẹ phải ngưng tất cả những việc mà trẻ đang làm, không để trẻ tiếp tục sống với những áp lực lớn như vậy sẽ dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.  

Các bác sĩ cũng cho rằng cho trẻ đến trường là giải pháp tốt cho sức khỏe tâm lý của học sinh và đạt được cả hiệu quả trong học tập so với việc học trực tuyến. Theo bác sĩ Khanh, nhiều phụ huynh đang quá sợ COVID-19 mà quên mất rằng TP.HCM cũng từng có rất nhiều loại dịch khác, nguy hiểm hơn như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… 

"Chúng ta sợ trẻ đến trường mang mầm bệnh về cho gia đình? Vậy người lớn có đi ra ngoài không? Cho trẻ đến siêu thị, đến cửa hàng, qua nhà hàng xóm… thì an toàn hơn trường học sao? Tôi cho rằng trường học kiểm soát được vấn đề an toàn. Đặc biệt hiện nay người lớn trong gia đình đều chích ngừa hai mũi rồi và đang chuẩn bị chích mũi ba thì việc người lớn và trẻ con đi ra ngoài rồi trở về nhà đều có khả năng lây như nhau", bác sĩ Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Khanh, khi đến trường, trẻ có thể chia thành nhóm nhỏ khi tiếp xúc. Trẻ con cũng cần cha mẹ và nhà trường chỉ dẫn cho các con chơi với nhóm bạn nhỏ (có thể khoảng 5 người) dù là trong lớp học, ra sân chơi hay vui đùa thì sẽ hạn chế tối đa việc lây nhiễm COVID-19.

TP.HCM: Học sinh lớp 3, 4, 5 thi học kỳ kiểu trực tuyến TP.HCM: Học sinh lớp 3, 4, 5 thi học kỳ kiểu trực tuyến

TTO - Tại buổi họp báo chiều 30-12, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM cho biết học sinh lớp 3, 4, 5 sẽ kiểm tra học kỳ 1 theo hình thức trực tuyến, các em lớp 1, 2 sẽ kiểm tra khi đi học trực tiếp trở lại.