Ngân hàng Agribank - chi nhánh Trung Tâm Sài Gòn mới đây có thông báo cho biết, đang lựa chọn tổ chức
Ngân hàng đang tiến hành thu hồi khoản nợ quá hạn của Công ty TNHH Quan Minh (chủ đầu tư dự án Khu dân cư đô thị Ocean Park tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) do không có khả năng trả nợ.
Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Quân đội (MBAMC) vừa có thông báo về việc chào bán tài sản là phần vốn góp tại Công ty TNHH Quan Minh (Quan Minh) để tiến hành thu hồi nợ.
Theo đó, giá trị tài sản chào bán là 250 tỷ đồng, bao gồm 225 tỷ đồng (90% vốn điều lệ) thuộc sở hữu của ông Hoàng Văn Cường (SN 1975) và 25 tỷ đồng (10% vốn điều lệ) của ông Hoàng Bá Dũng (SN 1990).
Công ty Quan Minh được biết đến là chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư đô thị Ocean Park tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Dự án này có quy mô 41,8 ha với tổng mức đầu tư là 392,5 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, một ‘đại gia’ bất động sản khác cũng bị ngân hàng rao bán khoản nợ để xử lý thu hồi nợ, đó là Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm (Tập đoàn Xuân Lãm).
Theo VietinBank, khoản nợ của Tập đoàn Xuân Lãm có giá trị tính đến ngày 30/11 là 60,1 tỷ đồng, bao gồm dư nợ gốc 20,3 tỷ đồng và nợ lãi 39,7 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là 3 lô đất có tổng diện tích 3.949,5 m2 tại tỉnh Quảng Ninh.
VietinBank chào giá khởi điểm cho khoản nợ trên là gần 48 tỷ đồng. Mức giá này chưa bao gồm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Người trúng đấu giá tự chịu chi phí, các khoản thuế, phí và lệ phí liên quan đến chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Công ty TNHH tập đoàn Xuân Lãm chủ đầu tư một số dự án lớn tại Quảng Ninh liên tiếp bị ngân hàng rao bán khoản nợ. |
Trước đó, hồi tháng 8/2021, Ngân hàng Agribank chi nhánh Mỹ Đình thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Xuân Lãm và chi nhánh công ty tại Hà Nội theo 2 hợp đồng tín dụng được ký vào năm 2013. Toàn bộ giá trị khoản nợ được đấu giá là 312,5 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 122,1 tỷ đồng, nợ lãi 190,4 tỷ đồng.
Được biết, khoản vay của Tập đoàn Xuân Lãm được đảm bảo bởi các quyền sử dụng đất, máy móc thiết bị với tổng trị giá 117 tỷ đồng. Bao gồm: 1 quyền sử dụng đất chung cư diện tích 2.657m2 tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; 1 quyền sử dụng đất xây dựng bãi đỗ xe, nhà văn phòng diện tích 12.607 m2 tại phường Thanh Sơn, TP Uông Bí; 1 quyền sử dụng đất ở đô thị diện tích 10.556m2 tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí...
Tại Quảng Ninh tập đoàn Xuân Lãm là đơn vị được giao làm chủ đầu tư thực hiện loạt dự án bất động sản như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư và dịch vụ thương mại tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí (11,1 ha); dự án khu đô thị tại phường Trưng Vương, TP Uông Bí (23,57 ha); dự án Khu đô thị mới Chạp Khê, phường Nam Khê, TP Uông Bí (37,4 ha)…
Ngoài ra, ngân hàng Sacombank cũng đang rao bán nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, như: Khoản nợ 596 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Địa ốc Vạn Phát, được bảo đảm bằng 40 triệu cổ phiếu CTCP Bất động sản Đô Thành (DTR); khoản nợ 1.143,3 tỷ đồng của Công ty TNHH Bất động sản Phước Trí, được bảo đảm bằng quyền sử dụng 7.016,9 m2 đất tại số 201-203 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình.
Sacombank cũng đang rao bán 5 khoản nợ có tổng giá trị lên tới 2.402,2 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long và 3 cá nhân là bà Liêng Thị Thảo, ông Liên Thành Liêm và bà Đàm Kim Phụng. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ này là 25,25 triệu cổ phần CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Vũng Tàu Intourco).
Ngân hàng này còn chào bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá 1.217,6 tỷ đồng của CTCP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương, với tài sản bảo đảm là dự án chung cư 3.103,8 m2 tại 212B/C79 Nguyễn Trãi (quận 1, TP Hồ Chí Minh); khoản nợ 473,7 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, được bảo đảm bằng lô đất số 21-23 Nguyễn Biểu (quận 5, TP Hồ Chí Minh)...
Nợ xấu ngân hàng dự báo lên tới 8,2%
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 vừa diễn ra, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01, nợ xấu của các ngân hàng dự báo lên tới 8,2%. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) tăng lên 3,79%. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%.
“Dịch bệnh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng, và thậm chí tỷ lệ này có thể cao hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Nợ xấu tăng cao cũng là một trong những thách thức với ngành ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.