Chiêu trò tinh vi đến khó ngờ
Vừa qua, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã triệt phá đường dây lừa đảo đánh tráo sổ đỏ giả lấy sổ đỏ thật, sau đó rao bán đất để chiếm đoạt tài sản trái phép.
Nhiều người ít kinh nghiệm, sập bẫy đường dây lừa đảo đánh tráo sổ đỏ giả lấy sổ đỏ thật mất hàng tỷ đồng
Bị hại của vụ án này là ông Lý Văn Việt và vợ là bà Nguyễn Minh Lệ (trú tại quận Long Biên). Qua thông tin trên mạng Internet, anh Việt và vợ liên hệ, làm việc với bên môi giới và chủ thửa đất tại xã Yên Viên, Gia Lâm là ông Lê Đức Lương. Hai bên thỏa thuận giao dịch mua bán mảnh đất trên với giá hơn 3,2 tỷ đồng. Sau khi thỏa thuận thành công, anh Việt đã đặt cọc và tạm ứng tổng số tiền 3,2 tỷ đồng cho chủ đất.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên thì Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Gia Lâm thông báo cho vợ chồng anh Việt là mảnh đất trên có vấn đề về thủ tục sang tên do chủ nhà có giấy đề nghị tạm ngừng giao dịch mảnh đất từ trước đó.
Qua tìm hiểu, anh Việt và chị Lệ biết các đối tượng mà anh và vợ giao dịch đã giả danh chủ đất nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của anh Việt, chị Lệ thông qua việc mua bán thửa đất trên.
Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, cán bộ thụ lý vụ án cho biết: Đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức và thủ đoạn rất tinh vi. Trong trường hợp này, các đối tượng lợi dụng sơ hở của người bị hại; những kẻ hở trong công chứng để thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng thu thập các thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rao bán trên mạng internet, sau đó xưng là người môi giới và liên lạc với những người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên để làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng và muốn xem giấy tờ có liên quan. Nhóm đối tượng yêu cầu người bán gửi trước những thông tin liên quan như, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh thư hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu... qua mạng xã hội và sau đó đã làm giả các giấy tờ trên.
Khi gặp chủ sở hữu tài sản, lợi dụng sơ hở, các đối tượng đã đánh tráo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của họ mang về, dựng lên toàn bộ hồ sơ, con người để làm thủ tục rao bán trên mạng xã hội. Khi người có nhu cầu mua đất liên hệ các đối tượng sẽ cho người mua xem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán.
Sau khi thỏa thuận xong, các đối tượng dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và các giấy tờ, con người được dựng lên làm thủ tục chuyển nhượng tại phòng công chứng và chiếm đoạt tiền của người mua.
Liên quan câu chuyện lừa đảo sổ đỏ, hồi tháng 8/2019, Công an quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Nga, trú tại địa phương do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, khi biết bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, trú quận Hải Châu, có nguồn tiền nhàn rỗi, Nga nảy sinh ý định làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp vay tiền. Thực hiện kế hoạch, Nga tìm và đặt mua trên mạng một sổ đỏ giả đứng tên mình với diện tích đất 100m2, ở khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, với giá 20 triệu đồng.
Sau khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, Nga đã dùng để thế chấp với bà Nguyễn Thị Thanh Huyền vay số tiền gần 600 triệu đồng. Một thời gian sau, do không có tiền để trả nên bà Huyền buộc Nga phải chuyển nhượng lô đất đang cầm cố để thanh toán. Nguyễn Thị Nga cùng nạn nhân đến Phòng Công chứng Phước Nhân, nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ để ký hợp đồng chuyển nhượng. Tại đây, các công chứng viên phát hiện sổ đỏ đứng tên Nguyễn Thị Nga là giả nên báo cơ quan công an.
Một số lưu ý giúp phân biệt sổ đỏ thật – giả
Việc sản xuất các giấy tờ nhà đất giả đang ngày càng tinh vi, khó có thể phân biệt được bằng mắt thường. Nếu như sổ đỏ giả hoàn toàn đã khó phân biệt thì những sổ đỏ làm giả trên phôi thật, tức "vừa giả vừa thật" thì càng khó nhận biết hơn. Đó là những trường hợp sổ đỏ thật bị đánh cắp và được làm giả lại để đi lừa người khác. Vì vậy, người mua nên cực kỳ cẩn trọng và kiểm tra thật kỹ khi cầm sổ trên tay.
Bằng chiêu trò tinh vi, khó có thể phân biệt sổ đỏ thật - giả bằng mắt thường
Theo chia sẻ của các công chứng viên, yếu tố đầu tiên cần kiểm tra để nhận biết được sổ đỏ đó là thật hay giả là căn cứ vào chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, về hình thức sổ, đối với những cuốn sổ đỏ được ép plastic thì nên kiểm tra thật kỹ. Bởi lẽ sổ đỏ thường được làm giả bằng cách quét lại sổ thật rồi in màu thành từng mặt, dán lại với nhau nên để không bị phát hiện thì chúng thường được ép plastic. Nếu tinh ý, sờ tay trên mặt sổ đỏ giả sẽ không thấy những phần in nổi mà chỉ nhìn thấy hình ảnh.
Ngoài ra, người mua có thể tự kiểm tra bằng những cách thủ công sau:
Sử dụng đèn pin: Sử dụng đèn pin hoặc nguồn chiếu sáng khác chiếu xiên góc 10 – 20 độ với mặt giấy. Nếu mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi, thì đó là sổ thật vì được in bằng phương pháp in typo. Còn nếu mã số hiệu bị đóng lệch đi so với hình dấu nổi, thì đó là sổ giả vì phương pháp in màu kỹ thuật. Thêm một chi tiết nữa là ở sổ giả, hình dấu được tạo ra bởi các chi tiết lõm và không rõ nội dung.
Kiểm tra bằng kính lúp: Dùng kính lúp để nhận biết được màu sắc in trên sổ đỏ, sổ hồng. Màu trên giấy tờ thật sẽ sắc nét hơn, màu mực đồng màu trên cùng một chi tiết in, các họa tiết và hoa văn màu hồng được tạo ra bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng. Còn ở giấy tờ giả mạo thì màu in không được sắc sét; quan sát kỹ sẽ thấy trên cùng một chi tiết in lại có nhiều hạt mực có màu sắc khác nhau; các họa tiết, hoa văn màu hồng lại không được tạo ra bởi tổ hợp các chấm mực màu hồng.
Dấu vết tẩy xóa: Quan sát ở một số vị trí có chứa nội dung dễ bị tẩy xóa như: Số sổ; số vào sổ quyết định; loại đất, thời hạn, diện tích (bằng số, bằng chữ). Đối với trang bổ sung cũng kiểm tra tương tự, đặc biệt là độ trùng khớp của dấu giáp lai.
Tuy nhiên, các cách kiểm tra thủ công như trên chỉ là tương đối. Tốt nhất người mua nên kết hợp đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng công chứng uy tín… nhờ kiểm tra, đối chiếu để có được kết quả chính xác, chắc chắn nhất.
Quỳnh Chi/Cafeland