Tây Nguyên hiện lên qua từng thớ gỗ

TP - Hơn 30 năm qua, nghệ nhân Y Thái miệt mài khắc họa đời sống văn hóa, tinh thần và phong tục của dân tộc Tây Nguyên trên từng thớ gỗ. Ông là nghệ nhân hiếm hoi của tỉnh Đắk Lắk còn giữ ngọn lửa đam mê nghề tạc tượng gỗ.

Tây Nguyên hiện lên qua từng thớ gỗ ảnh 1

Tích dân gian người Êđê cô gái tắm suối được ông phác họa qua gỗ

Ngọn lửa đam mê

Con đường nhỏ chạy giữa những vườn cà phê vào nhà nghệ nhân Y Thái Êban (SN 1970, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) rất đỗi yên bình. Ông ngồi giữa những bức tượng với vô vàn sắc thái, giọng hào sảng khi nói về công việc của mình. “Tất cả là niềm đam mê và nhiệt huyết. Chỉ vậy thôi đủ để tôi giữ được nghề cho đến bây giờ”, ông bộc bạch.

Theo nghệ nhân Y Thái, nghề tạc tượng mang lại nguồn thu nhập khá cao, đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nhưng niềm vui lớn nhất với ông là tượng được bà con sử dụng trong nhà và các lễ hội cộng đồng. Bao năm qua, ông không ngại khó khăn đi khắp vùng tạc tượng cho người dân có nhu cầu.

“Giờ tôi bắt đầu chớm tuổi già, lo sợ một ngày linh hồn buôn làng không còn. Tôi truyền nghề cho bất kỳ ai muốn học. Trong số gần 10 học viên, trẻ nhất là 27 tuổi, lớn nhất gần 50 tuổi. Tôi vừa hướng dẫn họ tạc tượng đơn giản, họ vừa phụ tôi làm. Tôi trả tiền công cho “học viên” để có động lực giữ văn hóa của dân tộc mình”.

Nghệ nhân Y Thái

Bố mất khi mới một tuổi, Y Thái lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, họ hàng và bà con buôn làng. Ngày ấy, Y Thái lẽo đẽo theo chú, cậu đi khắp nơi xem tạc tượng. Năm lên 9 tuổi, thấy bức tượng người đàn bà chống cằm mang một nét buồn khó tả, hình ảnh ấy ám ảnh mãi trong tâm trí Y Thái. Cậu bé Y Thái lân la hỏi mẹ và các già làng, khi biết là nét văn hóa truyền thống, người đàn ông mất sẽ tạc tượng phụ nữ chống cằm và ngược lại. Nhiều già làng nói việc tạc tượng đặt ở nhà mồ xuất phát từ truyền thuyết của người bản địa nơi đây. Vì thế, họ tạc tượng để bên mộ tâm sự với người đã khuất cho đỡ buồn sau khi làm lễ bỏ mả. Hằng ngày, Y Thái miệt mài đục đẽo, lấy dao gọt đi gọt lại, hư cái này vứt làm lại cái khác. Sau bao năm mày mò, ông đã làm được.

Mỗi khi lên rẫy hay đi rừng, thấy khúc gỗ nào có thể tận dụng được, Y Thái mang về tạc theo ý tưởng của mình. Ngoài năng khiếu, người tạc tượng cần phải kiên trì, nhẫn nại vì mọi nhát đục hay đẽo bằng dao đều cần độ chính xác cao, tạc sai sẽ phá hỏng tổng thể bức tượng đã được xây dựng ý tưởng từ trước.

Linh hồn tượng gỗ

Tây Nguyên hiện lên qua từng thớ gỗ ảnh 2

Nghệ nhân Y Thái chia sẻ về bức tượng đoạt giải nhì

Không bản phác họa, không máy móc, chỉ có cái rìu, đục, dao….nghệ nhân Y Thái đã biến những thân gỗ thô sơ, vô tri, thành tác phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của người Tây Nguyên. “Mỗi khi nhìn khúc gỗ, trong đầu tôi đã có sẵn chất liệu để tạc. Chẳng hạn, nói đến tháng 3, tôi lấy đục, dao tạc tượng thầy cúng không cần phải vẽ”, ông chia sẻ.

Nâng niu bức tượng thầy cúng trên tay, đôi mắt sáng ngời, ông kể, bức này có tên “Thầy cúng và người đàn bà phụ cúng”, đoạt giải nhì tại hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên 2017. “Bức tượng có ý nghĩa lễ cúng mừng sức khỏe. Đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Êđê nhưng ngày nay ít nhiều đã bị mai một. Lễ cúng nhằm tỏ lòng thành kính đến các đấng thần linh và mong muốn thần linh che chở, phù hộ cho mọi người được mạnh khỏe, mùa màng bội thu”, nghệ nhân Y Thái chia sẻ.

Tây Nguyên hiện lên qua từng thớ gỗ ảnh 3

Mỗi bức tượng ông đều có sẵn chất liệu trong đầu không cần bản vẽ

Bức tượng đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời theo đuổi đam mê của ông. Chính từ đó, người dân khắp các buôn làng tìm đến nghệ nhân Y Thái mỗi khi cần tượng trang trí nhà rông, cộng đồng, hay dùng trong lễ hội khác của người Tây Nguyên.

Mỗi tác phẩm đều có một câu chuyện, thông điệp riêng mà ông dùng cái tâm của người tạc tượng truyền hồn vào đó, như bức tượng người đàn ông và phụ nữ địu con giã lúa, mang ý nghĩa chủ nhà giã lúa nấu cơm cúng, mời dân làng ăn trong lễ cúng sức khỏe cho gia đình. Được chiêm ngưỡng tượng gỗ ông tạc, người xem như hòa mình trong khung cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Bức tượng cô gái đứng trên thân rùa, là tích dân gian của người Êđê được ông phác họa qua gỗ, hình ảnh một cô gái ra bờ suối tắm, cứ ngỡ đứng trên tảng đá vì cởi đồ bị áo che mắt, khi cởi xong mới biết mình được rùa đưa qua bên kia bờ suối.

Mỗi khi khách hàng đặt làm, bản thân ông tự đưa ra ý tưởng để tạc nên bức tượng gỗ có hồn, mang đậm bản sắc văn hóa và có ý nghĩa. Bức người đàn ông vác xà gạc, vợ địu con mang gùi đựng các dụng cụ, cơm, nước… có tên “Đi thăm rẫy”, được ông tạc vào tháng 3. “Tôi tạc tượng theo ý nghĩa từng tháng. Tháng 3, 4 tượng gắn với lễ cúng sức khỏe, khung cảnh sinh hoạt, đi thăm rẫy; tháng 5, 6 gắn với lễ cúng rẫy, bảo vệ mùa màng…Mỗi mùa sẽ có các lễ cúng khác nhau”, ông chia sẻ.

Với tình yêu văn hóa dân tộc, hơn 30 năm qua, ông miệt mài lưu giữ những nét đẹp phong tục vì sợ sau này mai một. Ông không nhớ mình đã tạc được bao nhiêu tượng gỗ, vì ngoài tạc cho các nhà mồ ở buôn làng, ông còn nhận đơn đặt hàng của các khu, điểm du lịch và khách ở tỉnh thành khác.

Ông Bùi Văn Hượng, cán bộ văn hóa xã Ea Tu cho biết: Trên địa bàn xã chỉ còn nghệ nhân Y Thái giữ nghề tạc tượng. Ông là người đại diện cho tỉnh Đắk Lắk tham gia thi tạc tượng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Nghệ nhân Y Thái góp phần bảo tồn nghề tạc tượng nói riêng và văn hóa của đồng bào Êđê nói chung. Hiện nay, nghệ nhân đang phát huy giá trị tạc tượng của mình, vừa giới thiệu sản phẩm vừa phục vụ công tác du lịch sau này. Chúng tôi thường xuyên động viên, khích lệ để nghệ nhân phát triển góp phần trong công tác bảo tồn văn hóa.

Trên con đường lưu giữ văn hóa truyền thống, giờ đây ông không còn đơn độc vì hai người con trai đã tiếp nối nghề và song hành cùng ông. Chính nhiệt huyết trong người nghệ nhân Y Thái đã cảm được nhiều thanh niên trẻ đến học nghề.