Thượng tá, NSƯT Kim Phúc: Nghề giáo với tôi không chỉ là Duyên mà còn là Nghiệp

Không sinh ra trong một gia đình “nòi nghệ thuật”, Thượng tá, NSƯT Kim Phúc may mắn được trời ban cho một giọng hát thánh thót cao vút của loài chim sơn ca.

Mấy chục năm trên chặng đường nghệ thuật, công chúng vẫn rất ấn tượng một ca sĩ Kim Phúc, một Thượng tá Kim Phúc, nguyên Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc Trường đại học VHNT Quân đội với các bài hát như “Mùa xuân nho nhỏ”, “Bài ca không quên”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Nha Trang mùa thu lại về”, “Trăng chiều”...đã đi cùng năm tháng. Đặc biệt, nhiều lứa học sinh của cô đã thành danh và có những đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.

Ca hát đến là cơ duyên

Con chim sơn ca ấy lần đầu tiên cất giọng ca vang bài “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” trong một dịp trường cấp III của cô tổ chức hội diễn văn nghệ. Cứ thế, mỗi khi nhà trường có biểu diễn văn nghệ, Kim Phúc bao giờ cũng là “ca sĩ” đầu tiên được điểm mặt. Đó là cơ duyên đưa Kim Phúc đến với âm nhạc.

phuc1-1698288838.jpg

Thượng tá, NSƯT Kim Phúc

Con đường nghệ thuật của Kim Phúc gặp phải trở ngại đầu tiên từ phía gia đình. Ông bà thì quan niệm “nghiệp cầm ca...”, bố mẹ thì muốn con nối nghiệp nhà giáo. Vậy nên, khi Kim Phúc có giấy báo trúng tuyển của Trường Nghệ thuật Việt Bắc, cô đành ngậm ngùi cất giấu khát khao của mình. Niềm đam mê ca hát khiến mơ ước của cô thêm một lần nữa bùng cháy khi NGND Lô Thanh (Giảng viên Nhạc viện Hà Nội) đã tuyển Kim Phúc vào học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội. Cô chấp nhận gác lại mong muốn của gia đình và khăn gói gia nhập làng nghệ thuật. Như được chắp thêm đôi cánh, vào môi trường đào tạo nghệ thuật đỉnh cao của nước nhà, Kim Phúc đã thể hiện tốt nhất mọi khả năng của mình. Vừa tốt nghiệp hệ Trung cấp, cô thi lên hệ Đại học Thanh nhạc và được Nhà hát Tuổi trẻ nhận về công tác. Tại nơi đây, Kim Phúc bắt đầu cuộc “sưu tầm” huy chương: Năm 1983, Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc “Mùa đông” (Nguyễn Cường); Năm 1985, Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc “Hát ru” (Dương Thụ); Năm 1987, Huy chương vàng hội diễn kịch hát toàn quốc với vở “Câu chuyện tình yêu” (Đạo diễn Phạm Thị Thành, âm nhạc Đỗ Hồng Quân); Năm 1989, đoạt giải ba Cuộc thi nhạc nhẹ toàn quốc với ca khúc “Lại đây bên em” (Nhạc Pháp); Năm 1994, giành giải đặc biệt Cuộc thi “Mùa xuân Bình Nhưỡng” tổ chức tại Bắc Triều Tiên với tiết mục “Cha con Bốc Xun” biểu diễn cùng NSND Quý Dương.

phuc00-1698290600.jpg

NSƯT Kim Phúc và con gái lưu niệm cùng các nghệ sĩ: NSND Lê Dung, Minh Thúy, NSƯT Thanh Lam, Diva Hồng Nhung, Khánh Huyền

Ca khúc "Con gái mẹ đã thành chiến sĩ" đã đi cùng năm tháng gắn với tên tuổi của NSƯT Kim Phúc

Thời gian công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, Kim Phúc luôn tâm niệm lao động nghệ thuật phải nghiêm túc và biết cháy hết mình với ước mơ, khao khát. Con chim sơn ca của xứ Lạng đã khiến Nhà hát Tuổi trẻ luôn được “đỏ đèn” trong nhiều đêm diễn liên tục. Khán giả tìm đến địa chỉ 23 Ngô Thì Nhậm để tận mắt xem cô ca sĩ vóc dáng nhỏ bé đến chừng kia mà tại sao khi cất giọng hát lại đầy nội lực, truyền cảm, hấp dẫn và đáng cảm phục đến thế! Với chất giọng thánh thót trời ban, lại được học thính phòng, Kim Phúc luôn tìm cách học hỏi, trau dồi, rèn luyện kỹ năng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả. Cô biết, nếu chỉ hát thính phòng thì đại đa số khán giả của cô sẽ bị thiếu đi gia vị của món ăn tinh thần âm nhạc. Thế là Kim Phúc tự tìm tòi và luyện tập hát theo lối bán cổ điển. Với những đóng góp cho Nhà hát Tuổi trẻ và nền âm nhạc nước nhà, năm 1993, ca sĩ Kim Phúc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú - phần thưởng to lớn và quý giá nhất đối với người làm nghệ thuật chân chính.

Giảng dạy là nghiệp theo đuổi

Khoảng thời gian được đắm mình trong không gian âm nhạc, Kim Phúc lại được bén duyên sang lĩnh vực giảng dạy. Thời đó, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức tuyển chọn những giọng ca “nhí” có triển vọng ở các tỉnh, thành trong cả nước. Kim Phúc được lãnh đạo Nhà hát tin tưởng giao cho nhiệm vụ đào tạo các tài năng trẻ. Dưới sự dìu dắt của “đàn chị” Kim Phúc, nhiều ca sĩ đã lớn lên, trưởng thành trong ngôi nhà chung của nghệ thuật như Khánh Huyền, Hải Yến, Hoài Phương, Thu Phương. Từ đây, cô cảm thấy thấy yêu công việc giảng dạy và trên hết, cô muốn “nhường” lại sân khấu cho lớp trẻ. Vì thế, theo sự tư vấn, động viên của đồng nghiệp và gia đình, năm 1995 Kim Phúc về công tác tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).

phuc2-1698288953.jpg

Thượng tá, NSƯT Kim Phúc đến với nghề giáo không chỉ là Duyên mà còn là Nghiệp

Chuyển sang làm giáo viên dạy thanh nhạc ở một ngôi trường nghệ thuật trong Quân đội, Kim Phúc cũng gặp nhiều bỡ ngỡ. Cô bắt đầu hành trình tìm tòi, tự học hỏi để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của một nhà giáo. Về nghiệp vụ sư phạm, Kim Phúc được học hỏi rất nhiều từ bố mẹ. Về chuyên môn thanh nhạc, Kim Phúc đã tập trung toàn bộ kiến thức được học trên nhà trường và kinh nghiệm tích lũy của nhiều năm ca hát để bắt đầu công việc “người lái đò”. Cô đã mày mò, tìm hiểu và truyền dạy cho các học trò của mình ba dòng nhạc: Thính phòng, bán cổ điển và dân gian. Trong giảng dạy, Kim Phúc luôn có quan điểm không vì bệnh thành tích. Học trò của cô luôn phải học nghiêm túc, học đồng đều các môn bổ trợ cho nghề. Dưới sự chỉ bảo ân cần của cô, có nhiều học trò đã đoạt được các giải thưởng âm nhạc uy tín trong nước như: Bích Ngọc, Hồng Nhung, Mỹ Châu, Phương Mai, Thành Lê, Cẩm Tú, Hồng Duyên...Và không thể không kể đến Thượng tá, NSƯT Hương Giang - Giảng viên Thanh nhạc Trường đại học VHNT Quân đội, một học trò được cô hết lòng giúp đỡ những năm chập chững bước chân vào nghề và ngay cả khi đã trưởng thành.

Ca khúc "Một mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn gắn với giọng hát ngọt ngào của NSƯT Kim Phúc trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam

Mấy chục năm gắn bó với nghề, NSƯT Kim Phúc nuôi ấp ủ tạo dựng được một lực lượng ca sĩ hát thính phòng lớn mạnh, trở thành tiêu điểm đặc trưng cho Quân đội Việt Nam về biểu diễn nghệ thuật. Dự định là không nhỏ, thời gian cũng không dài, cô và các học trò của mình vẫn kiên trì bước đi trên con đường đã chọn. Người đồng hành trong cuộc đời của cô là NSƯT Thế Dân, giảng viên đàn dân tộc của Nhạc viện Hà Nội, cô con gái duy nhất cũng nối nghiệp mẹ cha. Với Thượng tá, NSƯT Kim Phúc nghề giáo vừa là duyên, vừa là nghiệp! 

NSƯT Kim Phúc (tên đầy đủ Nguyễn Thị Kim Phúc). Sau khi tốt nghiệp hệ Đại học thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, cô về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ vừa là diễn viên đơn ca, vừa giảng dạy đào tạo thế hệ trẻ. Cô đã giành nhiều huy chương trong các cuộc hội diễn chuyên nghiệp và các cuộc thi hát trong nước và cả ở cuộc thi Mùa Xuân Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên. Năm 1993, cô được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 1995, NSƯT Kim Phúc chuyển sang Trường Cao đẳng (nay là Đại học) VH-NT Quân đội làm công tác giảng dạy và sau làm Trưởng Khoa Thanh nhạc của Nhà trường. Hiện tại, NSƯT Kim Phúc đã nghỉ hưu và là Giảng viên cộng tác của Trường đại học VHNT Quân đội, Nhạc viện Hà Nội.

Minh Phương