Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP. HCM) được tiêm vắc xin mũi 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên, kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vắc xin đủ tiêm cho các lứa tuổi theo tiến độ được giao, trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, Bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vắc xin COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vắc xin Pfizer được gia hạn, báo cáo cụ thể vắc xin tiêm và nhận trong tháng 1-2022, kế hoạch bảo đảm đủ vắc xin để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong quý 1-2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Nhân viên Trạm y tế lưu động phường 11, quận Tân Bình thăm hỏi và phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chính phủ có nghị quyết, cho phép nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19
Ngay sau nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 168 ngày 31-12-2021, cho phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.
Với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch COVID-19, nếu giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây:
1. Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố;
2. Xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam.
Đồng thời cho phép thay thế giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu quy định tại điểm g khoản 2 điều 85, nghị định 54/2017 ngày 8-5-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược bằng Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).
Với vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c khoản 1, và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017, đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018 ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Vắc xin do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại điểm c khoản 1, miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017 đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018.
Đồng thời miễn hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng.
Về kê khai, công bố giá đối với vắc xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 để tiêm miễn phí.
Doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký, không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế báo cáo Chính phủ giá doanh nghiệp ký hợp đồng, thoả thuận mua vắc xin, không phải thực hiện công bố giá theo quy định của pháp luật.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường giải pháp chăm sóc trẻ em ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành chỉ thị số 36 của Thủ tướng về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các chính sách giải pháp, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng bảo đảm đúng quy định.
Chú trọng việc trẻ em được chăm sóc bởi người thân thích, nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với trẻ em như chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em; tăng cường truyền thông để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đẩy mạnh triển khai dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng đào tạo, giáo dục; hướng dẫn gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm an toàn, hiệu quả khi học trực tuyến; bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Phát huy vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện thể chất và tinh thần để bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật cho trẻ em và gia đình trong dịch COVID-19.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình "Sóng và máy tính cho em", hướng dẫn các cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên môi trường mạng phổ biến kiến thức, kỹ năng về các hoạt động hỗ trợ thể chất và tinh thần phù hợp với trẻ em, góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Tổ chức điều trị và chăm sóc cho trẻ em bị mắc COVID-19 và ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thực hiện chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng, bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích.
Vận động, huy động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhân viên y tế chăm sóc cho các trường hợp F0 đang điều trị tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM ngày đầu xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả người nhập cảnh
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cùng đại diện lãnh đạo Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Sở Thông tin - truyền thông và các cơ quan ban ngành tại sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp thị sát hoạt động kiểm dịch y tế, thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả người nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất theo chỉ đạo mới của Thủ tướng và Bộ Y tế.
Trong buổi sáng đầu tiên của năm 2022, sân bay Tân Sơn Nhất đón 2 chuyến bay là chuyến JX711 từ Đài Loan với 40 khách và chuyến VZ3970 từ Thái Lan với 23 khách. Tất cả hành khách và tổ bay đều âm tính với xét nghiệm nhanh với COVID-19.
Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa vì phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội, từ 18h ngày 31-12-2021 đến 18h ngày 1-1-2022, Hà Nội ghi nhận 1.741 ca F0, trong đó có 611 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và phong tỏa. Một số quận ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai có 246 ca, Đống Đa có 202 ca, Hà Đông có 154 ca, Ba Đình có 150 ca, Bắc Từ Liêm có 113 ca…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 là 50.680 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 17.023 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 33.657 ca.
- Ngày 1-1, Sơn La cho biết, ngày 31-12-2021 đã phát hiện 67 ca COVID-19; trong đó riêng huyện Mường La ghi nhận 31 ca. Từ ngày 5-10-2021 đến sáng 1-1-2022, tỉnh Sơn La có 1.127 ca COVID-19; có 15.444 người được theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng.
Tính đến sáng 1-1, Sơn La đã tiêm vắc xin COVID-19 được 1.369.900 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên và 172.554 mũi cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
- Ngày 1-1, Quảng Trị ghi nhận 47 ca COVID-19. Từ ngày 20-12-2021 đến nay, TP Đông Hà ghi nhận hơn 364 ca COVID-19, trong đó có nhiều ca bệnh liên quan đến chợ Đông Hà. Từ ngày 26 đến 28-12-2021 chợ này phải đóng cửa lần 2 để các lực lượng chức năng làm công tác khử khuẩn.
- Từ 6h ngày 31-12-2021 đến 6h ngày 1-1-2022, Quảng Bình ghi nhận thêm 55 ca COVID-19, trong đó có 54 ca tại cộng đồng, 29 ca liên quan đến chùm ca bệnh Xuân Hải, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch.
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 3.799; số ca điều trị khỏi là 3.331, còn 245 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 167 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà. Hiện 95,61% người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1; mũi 2 là gần 89%.