Vì sao nhà đầu tư khó 'lướt sóng' bất động sản lúc này?

Những cơn sóng bất ngờ của năm 2020 tại các thị trường địa phương khiến nhà đầu tư dễ dàng kiếm hàng trăm triệu chỉ sau vài ngày. Nhưng đến năm 2021, khả năng kiếm lời nhờ pha lướt sóng đã không còn dễ dàng như trước.

"2020, lướt sóng kiếm tiền còn dễ. Năm 2021, nhất là hiện tại và sang năm, lướt sóng chắc chắn chỉ có gãy sóng", đó là nhận định của chị H.N.T (một nhà đầu tư đến khu vực Hà Đông, Hà Nội).

Năm 2020, thị trường bất động sản xảy ra sốt đất cục bộ ngay thời điểm dịch bệnh được kiểm soát. Tâm lý đầu tư như lò xo nén, nên những người tham gia vào thị trường rất lạc quan, hứng khởi, mua bán xuống tiền dễ dàng. Mỗi lần dịch kiểm soát, sốt đất xảy ra cục bộ, nhà đầu tư lướt kiếm vài trăm triệu đơn giản.

"Năm 2020, tôi lướt kiếm tiền tỷ ở thị trường tỉnh, nơi có dự án lớn đi qua. Nhưng năm 2021, tôi bị chôn một mảnh đất ở Bắc Giang, 1 lô tại Bắc Ninh. Đến hiện tại, tôi chưa dám xuống tiền lướt sóng vào bất kỳ đâu. Tất cả đều xác định phải kinh doanh lâu dài", chị T. cho hay.

Cũng theo chị T., nhất là thời điểm sau lần bùng dịch lần thứ 4, cục diện thị trường đã thay đổi. Người xuống tiền rất cẩn trọng. Ngoài ra khả năng sốt nóng cục bộ khó xảy ra do tâm lý từ nhà đầu tư, môi giới lo ngại dịch bệnh.

Đồng quan điểm như chị T., anh M.T (lãnh đạo sàn bất động sản) nhận định, dù thị trường bất động sản hiện tại ghi nhận lượng giao dịch tốt nhưng chủ yếu là nhóm người mua để trung hạn và dài hạn.

Nhà đầu tư không dám lướt sóng vì rủi ro cao. Một số cú sốc trên thị trường tỉnh vì dịch bệnh, đóng băng trở lại và vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khiến nhà đầu tư xác định chiến lược kinh doanh lâu dài.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh: giai đoạn hiện nay không phải là giai đoạn lướt sóng bất động sản, do vậy việc vay vốn để kiếm lời nhanh là rất khó.

Ông Hiển phân tích, trong góc độ ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn lớn vì tâm lý thận trọng sau giãn cách, vì các thu nhập của nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp đến đầu tư bất động bị giảm sút, khiến cho thanh khoản bị trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư đang đối diện với các khoản vay đến hạn.

Tuy nhiên xét về trung hạn (2 - 5 năm), thì thị trường bất động sản vẫn ổn do nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nhờ xuất khẩu, đầu tư FDI và kéo theo thúc đẩy kinh tế nội địa. Với xu thế phát triển của xuất khẩu, của FDI sẽ giúp phát triển các Khu công nghiệp, các hạ tầng giao thông lớn, hệ thống cảng biển và tiến trình đô thị hóa. Những yếu tố này là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản trong trung hạn.

Ngoài ra, theo ông Hiển, một số vùng sẽ vẫn có cơ hội cho đầu tư bất động sản nhờ những yếu tố đô thị hóa và hạ tầng; nhưng những vùng đã tăng cao (trong các năm 2017 - 2020) thì rất khó mà tiếp tục tăng tốt như các năm trước, mà có khi còn giảm.

Những vùng đang có tiềm năng tốt giá chưa tăng cao sẽ có thể tăng. Những nhà đầu tư phải nhắm tới trung hạn và chuẩn bị lực để "gồng lãi" nếu có vay ngân hàng.