Nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người dân, góp phần nâng cao nhận thức của tiểu thương trong hoạt động kinh doanh tại chợ, từ năm 2016, tỉnh Vĩnh Long đã bắt đầu xây dựng thí điểm mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6 mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: Chợ Phước Thọ (phường 8, thành phố Vĩnh Long), Chợ Cái Ngang, chợ Tam Bình (huyện Tam Bình), chợ Tân Thành, chợ tân Qưới ( huyện Bình Tân); chợ Trà Ôn (huyện Trà Ôn). Từ kết quả tích cực ghi nhận sau quá trình triển khai, mô hình đang được tỉnh tiếp tục nhân rộng.
Chợ Phước Thọ, phường 8 thành phố Vĩnh long là chợ đầu tiên của tỉnh được chọn thí điểm mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau hơn 5 năm triển khai, từ 70 hộ kinh doanh ban đầu đến nay chợ đã có 94 hộ tham gia. Qua thực tế hoạt động cho thấy, việc thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của tiểu thương trong lựa chọn hàng hóa kinh doanh, từ đó tạo được lòng tin đối với người dân khi đến mua sắm thực phẩm tại chợ.
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, phường 8- thành phố Vĩnh Long.
“Mỗi ngày là chị hay đi chợ này lắm, tại vì hàng hóa thì bán tốt, gía cả thì hợp lý, rồi đồ ăn thì chất lượng.”
chị Trần Thị Liên, tiểu thương Chợ phường 8- thành phố Vĩnh Long.
“Tui lấy đồ là có hãng xuất xứ, có công ty đàng hoàng, bảo đảm chất lượng, sức khỏe cho mấy người tiêu dùng.”
Chị Phạm Thị Thúy, Ban Quản lý Chợ Phước Thọ, phường 8- thành phố VĩnH Long.
“Ngay từ đầu năm ban quản lý chợ đã cho bà con tiểu thương mình ký cam kết về cái tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh và có thành lập cái tổ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và cũng có phân công cụ thể từng thành viên trong tổ kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn hàng kinh doanh thực phẩm của bà con tiểu thương.”
Mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định như: các quầy sạp được bố trí, đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp khang trang, đồng bộ và có lối đi thông thoáng; hàng hóa buôn bán đảm bảo chất lượng có xuất xứ rõ ràng. Tiểu thương buộc phải đăng ký kinh doanh, đồng thời thường xuyên được ban quản lý chợ tập huấn, trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ.
Bà Nguyễn Thị Mến, Trưởng Ban quản lý chợ Trà Ôn.
“Đầu năm 2022 thì Ban quản lý chợ đưa vào hoạt động cái khu vực an toàn thực phẩm thì thứ nhất là nơi buôn bán nó sạch sẽ, đường đi nó thông thoáng, người dân mua bán người ta cũng có ý thức hơn về cái an toàn thực phẩm.”
Hiện toàn tỉnh có 115 chợ, tuy nhiên chỉ mới xây dựng được 6 chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhân rộng mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở công thương tỉnh Vĩnh Long.
“Thì trong năm 2023 chúng ta tiếp tục triển khai 2 cái mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm, một là chợ Đông Bình của thị xã Bình Minh, hai là chợ Long Hồ của huyện Long Hồ. Trong năm 2024 thì chúng ta tiếp tục đầu tư 2 chợ đó là chợ Cái Nhum của huyện Mang Thít, cũng như là chợ Hiếu Phụng của Vũng Liêm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng khuyến khích ban chỉ đạo chợ của các huyện thị thành phố là vận động doanh nghiệp, hợp tác xã đang quản lý chợ đó là có thể chúng ta đầu tư để làm gian hàng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi năm vài gian hàng như thế thì từng bước chúng ta sẽ có cái chợ chúng ta an toàn thực phẩm.”
Phát triển chợ theo mô hình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hướng đi tất yếu trong việc tạo một môi trường buôn bán văn minh, an toàn, tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn người bán. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, cách phục vụ và thúc đẩy mua sắm tại chợ truyền thống phát triển.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.