Năm 2021, TTCK thực sự trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư |
+ Các kết quả năm 2021 cho thấy, TTCK đã thiết lập nhiều kỷ lục và thực sự trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước, ông nghĩ sao về điều này?
- Năm 2021, là một năm đầy biến động, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định, hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt, thị trường hoạt động ổn định, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vị trí, vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Nhìn vào các chỉ số có thể thấy: Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.
Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Tính chung năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020. Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng….
+ Sự tăng trưởng nhanh về số lượng các nhà đầu tư, đặc biệt là các “nhà đầu tư FO” mới gia nhập là điểm nhấn trong sự phát triển của TTCK năm 2021. Đây là tín hiệu vui nhưng chúng ta cần thận trọng điều gì?
- Năm 2021, số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia TTCK tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Chỉ riêng trong 11 tháng qua, đã có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.Sự gia nhập của nhà đầu tư F0 mang lại cả yếu tố tích cực và tiềm ẩn rủi ro cho TTCK.
“Gói kích thích kinh tế được triển khai trong năm 2022 sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến TTCK Việt Nam theo chiều hướng thuận lợi nhiều hơn”.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi
Về yếu tố tích cực, trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như toàn cầu gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đầu tư vào các kênh đầu tư truyền thống trở nên kém hấp dẫn thì việc đầu tư vào TTCK là một kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân khi có nguồn tiền nhàn rỗi. Hiện tượng này là xu hướng trên TTCK toàn cầu từ đầu năm 2021. Về yếu tố rủi ro, do nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong số các nhà đầu tư F0, thông thường kinh nghiệm và kiến thức về chứng khoán và TTCK còn hạn chế, bên cạnh đó là xu hướng đầu tư theo tâm lí đám đông.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi |
Để TTCK phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, trong đó tập trung vào thu hút các nhà đầu tư tổ chức là một trong những giải pháp trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2031 nhằm tạo sự cân đối giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức. Cùng đó, tăng cường đào tạo kiến thức về chứng khoán và TTCK sẽ tạo nên những bước đi vững chắc của TTCK Việt Nam trong giai đoạn tới.
+TTCK Việt Nam được định hướng hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực ASEAN. Từ góc độ cơ quan xây dựng chính sách, Bộ Tài chính có những giải pháp cụ thể nào, xin ông cho biết?
- Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, trong những năm qua, ngành chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong tiến trình hội nhập, nhờ đó, hình ảnh của TTCK Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới.
Đối với thị trường vốn khu vực, Việt Nam có mức độ mở cửa TTCK ở mức cao so với một số nước ASEAN. Đồng thời, chúng ta cũng là một trong các thành viên tích cực của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN, tham gia sâu rộng trong các sáng kiến tăng cường hợp tác và hội nhập thị trường vốn, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thị trường vốn khu vực kết nối, linh hoạt và phát triển bền vững.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, trong đó xác định một trong các chiến lược quan trọng là chủ động hội nhập với TTCK thế giới với mục tiêu trở thành một trong bốn TTCK lớn của khu vực ASEAN. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc nâng tầm vị thế TTCK Việt Nam, đòi hỏi một hệ thống các giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ của cơ quan xây dựng chính sách và quản lý thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung vào 6 giải pháp với cách làm bài bản, nghiêm túc và mạnh mẽ .
+ Năm 2022, gói kích thích kinh tế được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng lớn và trong đó, giữ vai trò “chủ lực” sẽ là chính sách tài khóa. Còn đối với thị trường chứng khoán, có kỳ vọng hay dự báo những thuận lợi và rủi ro gì sẽ đi kèm không, thưa ông ?
- Nếu gói kích thích kinh tế được triển khai trong năm 2022 sẽ tác động lớn đến nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến TTCK Việt Nam theo chiều hướng thuận lợi nhiều hơn.
Về thuận lợi, gói kích thích kinh tế mà chủ lực là chính sách tài khoá sẽ tác động trực tiếp giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất nhanh chóng, kích cầu tiêu dùng, giảm chi phí doanh nghiệp thông qua thuế phí sẽ góp phần đưa GDP tăng trưởng trở lại. Gói kích thích đi vào đúng trọng tâm là các ngành tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh, đây cũng chính là những ngành được hưởng lợi như hàng không, du lịch, thuỷ sản, dệt may,... khác với chính sách tiền tệ (thường sẽ tác động ngay đến TTCK, bất động sản). Do đó, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng tích cực vào gói kích thích kinh tế, mức độ rủi ro chung trên thị trường được giảm thiểu, khi đó định giá tài sản sẽ tăng lên là một trong những yếu tố thuận lợi cho TTCK tăng trưởng.
Tuy nhiên, việc cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần có một thời sau đó (ít nhất là 1 năm - 1 chu kỳ kinh doanh); Cộng với TTCK Việt Nam hiện tại cũng đã lớn hơn với 1.700 cổ phiếu, vốn hoá vượt quy mô GDP nên gói kích thích kinh tế khó tác động trực tiếp, tức thì và tác động quá mạnh đến TTCK.
Cảm ơn Thứ trưởng!