'Gã du ca' Trần Tiến qua đôi mắt cô gái 9X

Màu cỏ úa là phim tài liệu về nhạc sỹ Trần Tiến và âm nhạc của ông ra mắt tối 23/11 tại TPHCM, sau 5 năm thực hiện. Đây là bộ phim đầu tiên về nhạc sĩ tài hoa sau gần nửa thế kỷ du ca của ông. Đây cũng là bộ phim đầu tay của một cô gái thế hệ 9X: Lan Nguyên.

Dấn thân bởi đam mê

Lan Nguyên (Nguyễn Thúy Lan) kể, thế hệ của cô có nhiều dòng nhạc để yêu mến, nhưng riêng cô lại lớn lên với âm nhạc của Trần Tiến. Vì thế, khi gặp Trần Tiến để làm một phóng sự truyền hình, Lan Nguyên cảm thấy không thể tải hết một Trần Tiến trong phóng sự. Vì thế Lan Nguyên xin ông cho làm bộ phim tài liệu. Trần Tiến yêu cầu cô hát cho ông nghe một bài của ông. Lan Nguyên không ngần ngại cất giọng ca bài Tạm biệt chim én. Giọng ca nghiệp dư nhưng chân thực của một cô gái trẻ cùng với sự sẵn sàng dấn thân vào với thử thách đã thuyết phục Trần Tiến và ông đồng ý cho Lan Nguyên đi theo hành trình du ca của mình. 

Nhạc sỹ Trần Tiến trong một lần du ca

Nhạc sỹ Trần Tiến trong một lần du ca

Trần Tiến chia sẻ: “Bạn mong gì hơn ở một cô gái 9X, không đồng xu dính túi, mượn máy quay và rủ bạn bè 5 năm trời lẽo đẽo theo bước du ca để cho mọi người thấy được phần nào cuộc sống của người nghệ sỹ mà cô ấy yêu mến và đã từng hát rất hay ca khúc của người ấy? Thật lòng tôi không mong gì hơn, chỉ nhìn những thước phim vất vả quay được và những tư liệu quý mất công sưu tầm, cùng với tựa phim Màu cỏ úa đã đủ làm tôi thấy hạnh phúc. Một người của thế hệ 9X rung động với thế hệ 4X chúng tôi- những người lớn lên trong chiến tranh còn gì tự hào bằng”.

Lan Nguyên thừa nhận, khi bắt tay vào làm phim Màu cỏ úa, ngoài niềm đam mê, trong tay cô chỉ là con số không, không từ kiến thức làm phim cho tới kinh nghiệm. Nhưng Lan Nguyên may mắn bởi có những người bạn cùng đam mê nhạc Trần Tiến sẵn sàng đi với cô. Họ sẵn sàng giúp đỡ cô, thậm chí còn động viên mỗi khi Lan Nguyên mất phương hướng. Với 15 đợt quay trong thời gian 5 năm, Lan Nguyên đã đến với nhiều vùng đất của Tổ quốc để ghi nhận, để trò chuyện cùng với nhạc sỹ hay bạn bè của ông. Một chân dung Trần Tiến rất đời, rất lãng du cùng giọng hát, cùng những tư liệu quý đã được lưu lại trong Màu cỏ úa

'Gã du ca' Trần Tiến qua đôi mắt cô gái 9X - ảnh 1
Poster bộ phim “Màu cỏ úa”
Gã du ca của thế kỷ

Bộ phim Màu của úa bắt đầu bằng lời kể của chính Lan Nguyên về lý do cô được làm bộ phim này. Rồi nhạc sỹ Trần Tiến nhìn ống kính, ông nhìn mà coi ống kính như một cô gái đẹp để người nghệ sỹ có đủ đam mê trải lòng. Qua từng thước phim, “Gã du ca” Trần Tiến được khắc họa chân thực với sự hào hoa, lãng tử nhưng cũng vô cùng dung dị. Một Trần Tiến sẵn sàng từ chối những cuộc nhậu sang trọng chỉ vì “người trong đó không hiểu âm nhạc”, nhưng lại thích lê la vỉa hè với bia hơi, trong không khí ồn ào náo nhiệt của phố phường để rồi bập bùng tiếng đàn và nghêu ngao hát. Một Trần Tiến cũng bị khỏa lấp bởi những mạnh thường quân. Một Trần Tiến sôi động nhưng có những lúc thích lặng im ngồi trầm tư trong một cõi riêng tìm sự trải nghiệm cho riêng mình…

Rồi những chuyện khiến người ta thấy lạ như ca khúc Điệp khúc tình yêu của Trần Tiến được giải thưởng Nhà nước nhưng trước đó bị cấm bởi có “hôn” trong ca từ. “Sau mười mấy năm, nhạc sỹ Xuân Hồng có ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ có tới mười mấy chữ “hôn” thì ca khúc của tôi mới được phép hát”- Trần Tiến dí dỏm.

Với tông màu đen trắng, Màu cỏ úa khiến ta như đang được xem một bộ phim tài liệu ngày xưa để đi theo hành trình nghệ sỹ từ khi còn khoác áo lính, trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, rồi tự nguyện trở thành gã du ca thế kỷ. Âm nhạc Trần Tiến du ca cùng ông với những sáng tác trải dài theo đất nước, theo cuộc sống. Nói như ông Lưu Kỳ Anh - một người bạn của Trần Tiến: “Trần Tiến sởi lởi, hòa đồng, luôn quan tâm đến đời sống mọi người chung quanh. Và ông cũng rất nhạy cảm. Có thể khóc cho một chú dế bị kiến tha cho tới một chiếc lá rơi cũng khiến Trần Tiến viết ca khúc mới”.

Trong phim ta gặp những người thân có ảnh hưởng tới âm nhạc của Trần Tiến như NSND Trần Hiếu, ca sỹ Trần Thu Hà, cô con gái út Trần Xuân Nhật Vy… và các bạn bè âm nhạc của ông như Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Nguyễn Cường, Ngọc Lễ, Lê Minh Sơn, Tấn Minh… Trần Xuân Nhật Vy cho biết: “Tôi tự hào là con của nhạc sỹ Trần Tiến và là một phần trong những cảm hứng để ông sáng tác. Đó là điều hạnh phúc của tôi”.

Với 80 phút, Màu cỏ úa mới chỉ là những lát cắt về cuộc đời của nghệ sỹ du ca. Có thể có người tiếc nuối bởi còn rất nhiều tư liệu, câu chuyện về Trần Tiến chưa được đưa vào phim. Đạo diễn Lan Nguyên cho biết: “Có những khoảnh khắc được đưa vào phim nhưng cũng có những đoạn, chúng tôi giữ cho riêng mình như một kỷ niệm quý giá về nhạc sỹ. Tôi chỉ mong bộ phim là món quà chúng tôi tặng cho ông”. 

TRỌNG THỊNH/TPO