Hai chị em ngoại tôi - Ảnh tác giả cung cấp
Tôi không hiểu một bà cụ đã ngoài tám mươi tuổi như ngoại lấy đâu ra để kêu là mình khỏe, trong khi còn trẻ như tôi cũng nay ốm mai đau khi trời trở lạnh.
Phải chăng do đôi chân kia in dấu khắp cánh đồng nên đã hóa "chân cứng đá mềm" dẫu đông đã về bên thềm đi nữa, hay những nỗi đau âm ỉ trong lòng sau mấy lần tiễn chồng xa con đã làm cơn đau nhức bên ngoài trở thành vô nghĩa?
Không. Thể nào trong lúc trả lời điện thoại của tôi, ngoại sẽ đưa bàn tay nhăn nheo nắn bóp đầu gối của mình, chỉ là ngoại không muốn tôi lo.
Ngoại như một cái cây già nua mà những tầng rễ đã ăn sâu vào mảnh đất quê nghèo khó, không ai có thể bứng rời đi được.
Đã nhiều lần, hết cậu, đến má, rồi đám cháu khuyên nhủ, sợ cảnh đêm hôm trái gió trở trời lỡ có bề gì ai biết ai hay, ngoại cứ lắc đầu: "Dẹp. Tao sống ở quê, chết cũng ở quê không về với đứa mô hết. Ở quê còn mồ mả ông bà, có chòm xóm qua lại với nhau".
Trời không nghe đất thì đất phải chịu trời, đành để ngoại ở lại một mình trong căn nhà ngày cũ, chỉ tự hứa với lòng cố gắng thu xếp về thăm.
Về, ngày thường cũng chỉ được đứa này mất đứa kia nên ngoại phải chờ ngày mùng hai Tết để có thể gặp đông đủ cả nhà. Đó cũng là ngày ngoại vui nhất trong năm. Ngoại chăm chút từng cọng hành, luống rau suốt cả tháng trời trước đó chỉ để cho "tụi nó" có bữa rau sạch mà ăn.
Ngoại chuẩn bị từng chiếc chăn, cái gối dẫu đã cũ sờn nhưng tươm tất để đứa nào ở lại thì nằm khỏi lạnh. Ngoại gói ghém ít thức quà quê chia phần để sẵn, đợi đứa nào lên xe thì bắt phải mang về. Nhưng niềm vui kia ngắn chẳng tày gang, mắt ngoại lại đỏ hoe trong buổi chiều tà khi nhìn từng đứa từng đứa đi xa.
Một cụ bà đã đi qua hai cuộc chiến tranh, có khi làm giao liên tải đạn phải kề cận họng súng kẻ thù chưa từng run sợ nhưng lại rất "mau" nước mắt. Cũng phải. Hết con rồi tới cháu đều lớn lên trong vòng tay của ngoại để bây giờ tụi nó cứ ở tận đâu đâu.
Tôi luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt dõi theo của ngoại nên chưa bao giờ ngoái đầu lại. Chỉ khi nào xe ra khỏi ngõ, tôi mới dám len lén nhìn xem ngoại còn đứng đó hay không?
Ngôi nhà của ngoại - Ảnh tác giả cung cấp
Và đã hơn hai mươi năm, dù khoảng cách xa xôi nhưng tôi vẫn thu xếp để ngày mùng hai Tết về quê thắp nén nhang lên phần mộ của ông ngoại, của cậu, ăn bữa cơm đơn sơ cùng ngoại có đông đủ mọi người.
Cuộc hành trình về quê trong ngày Tết trở nên quen thuộc đến nỗi chỉ cần nhắm mắt, tôi vẫn có thể hình dung được con đường mình sẽ đi qua, từ cánh đồng lúa làm vụ đông xuân đang phủ màu xanh ngắt, ngọn núi lờ mờ trước mặt ngỡ gần mà đi hoài vẫn xa lắc xa lơ, đến hàng cây xà cừ chạy theo đôi bờ kênh dẫn nước, hay những thân cây dừa cao vút tuổi đời cũng đã mấy mươi.
Tất cả vẫn còn nguyên vẹn như hồi hơn hai mươi năm về trước, khi tôi còn sống ở nơi đây. Cảnh quê là vậy. Chẳng mấy khi có sự thay đổi quá nhiều để một người con xa xứ có thể nhận không ra dù năm năm, mười năm hay hai mươi năm đi nữa.
Những chuyến về quê đó của tôi tưởng như sẽ không bao giờ đứt đoạn cho đến ngày ngoại nhắm mắt xuôi tay về bên kia thế giới đoàn tụ với ông bà. Vậy mà...
Đại dịch COVID-19 tràn qua, buộc lòng người ta phải thay đổi dù có muốn hay không đi nữa và tôi cũng không là ngoại lệ. Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên tôi không về quê ăn Tết, dù dịch bệnh lúc đó chỉ mới rải rác vài ca.
Tâm lý lo lắng cộng thêm về quê có người già trẻ nhỏ, buộc lòng tôi phải từ bỏ kế hoạch của mình. Nhớ bữa trước Tết vài hôm, tôi cứ lừng khừng mãi mới dám cầm điện thoại gọi về cho ngoại. Chưa kịp nói gì đã nghe ngoại mở lời : "Năm ni dịch bệnh quá chừng chắc không về được phải không con? Ừ, thôi chờ Tết năm sau hết dịch hẳn về".
Giọng của ngoại hơi chùng xuống đủ để làm tôi - đứa cháu gắn cả thời tuổi thơ bên ngoại - se thắt ruột gan. Một năm, ba trăm sáu mươi ngày có lẻ, liệu rằng ngoại có còn khỏe để chờ đợi được cái Tết năm sau?
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết, cái Tết "năm sau" mà ngoại đã từng nói. Dù dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt nhưng con người ta buộc phải tìm cách thích ứng, sống an toàn với nó thay vì lo lắng sợ hãi cho bóng ma kia ám ảnh lấy mình.
Bình thường mới, chắc hẳn có nhiều thứ không còn giống trước đây, thế nhưng những cuộc sum vầy sẽ không bao giờ biến mất. Chắc hẳn giờ này không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cũng đang nóng lòng mong đến Tết.
"Tết này, con về quê với ngoại", câu nói đó tôi để dành trong cuộc trò chuyện với ngoại vào lần cuối cùng trong năm cũ, để đến mùng hai ngoại đã thấy mặt tôi rồi.
Đồ họa: NGỌC THÀNH